Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp công nghệ: Nỗ lực đi đầu về sáng tạo

Việt Nga| 22/09/2018 07:38

(HNM) - Cách mạng công nghiệp 4.0 với quá trình chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực xã hội và con người) là xu hướng, song cũng đặt ra những thách thức.

Không ngừng sáng tạo

Việc Uber, Grab ra đời cũng tương tự như câu chuyện các dịch vụ OTT (miễn phí gọi điện trên mạng internet), mà tiêu biểu là Viber 5-6 năm về trước. Sự kiện Viber đã gây “chấn động” cho các nhà mạng, vì trong khi nhà mạng phải đầu tư 1-2 tỷ USD để thiết lập hạ tầng mạng lưới cung cấp dịch vụ, các công ty công nghệ như Viber chỉ cần có phần mềm là có thể giúp người dùng thực hiện miễn phí cuộc gọi trên internet. Mặc dù đe dọa doanh thu của nhà mạng, nhưng OTT lại là “cú hích” khiến các nhà mạng phải đổi mới. Thực tế, chỉ ngay sau đó, các nhà mạng đồng loạt thiết kế các gói cước sáng tạo, trong đó đưa ra các gói cước miễn phí cuộc gọi; gói cước data đa dạng với nhiều ưu đãi miễn phí cước gọi...

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội 2018. Ảnh: Nhật Nam


Trước sự phát triển của công nghệ, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, các nhà mạng đã chuyển hướng cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Thực tế từ năm 2013, Tập đoàn Viettel đã đi đầu khi tuyên bố muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ thay vì chỉ là nhà mạng truyền thống. Còn Tập đoàn VNPT, dù trong giai đoạn 2014-2015 bắt tay thực hiện tái cấu trúc, song cũng tuyên bố đồng thời chuẩn bị cho việc chuyển đổi số. Ngoài các dịch vụ thoại, internet như trước, hiện nay cả Viettel, VNPT đều cung cấp các dịch vụ, giải pháp dựa trên các công nghệ mới nhất như Bigdata, IoT, AI, Cloud, Blockchain... để ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực phục vụ cho xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh trong cả nước.

Chia sẻ quan điểm này, ở góc độ một doanh nghiệp công nghệ thông tin số 1 hiện nay, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã có ví von rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa ra luật chơi mới: "Cá nhanh ăn cá to", do vậy vấn đề nằm ở hành động, thời gian và tốc độ. FPT cũng đặt mục tiêu tiên phong về chuyển đổi số, thay vì chỉ làm gia công phần mềm như trước. Cùng với đó là thông điệp FPT sẽ tập trung vào phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp cho khách hàng trên toàn cầu.

Còn ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNG cho rằng: "Các kiến thức học trong trường về marketing, kinh doanh đã trở thành lỗi thời và ít giá trị trong thực tế, bởi sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật, nâng cao khả năng sáng tạo". Vị lãnh đạo VNG lý giải, tính sáng tạo và phù hợp với môi trường thực tế chứ không phải là sao chép nguyên bản khi áp dụng, học tập các mô hình kinh doanh đã thành công. VNG hiện là công ty số 1 về cung cấp dịch vụ trên internet và tốp 5 công ty internet lớn trong khu vực.

Xây dựng nền tảng

Để thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, mà trước hết là nhân lực. Các doanh nghiệp phải có được đội ngũ kỹ sư công nghệ (kỹ sư chuyển đổi số) đủ lớn, mạnh và chỉ như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Như lời ông Trương Gia Bình: "Doanh nghiệp làm phần mềm đạt tốc độ tăng trưởng 30%, nhưng nếu áp dụng chuyển đổi số thì con số tăng trưởng có thể lên tới 100%. Tuy nhiên, dù hiện có 33.000 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 14.000 chuyên gia công nghệ, 60 tiến sĩ, có trường đại học, FPT vẫn phải đặt vấn đề để có đội ngũ kỹ sư chuyển đổi số phụ thuộc lớn vào chiến lược đào tạo của ngành Giáo dục".

Chia sẻ về sự sẵn sàng đội ngũ nhân lực, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, dù đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có nền tảng tốt về viễn thông - công nghệ thông tin, nhưng khi chuyển sang kinh doanh các dịch vụ số, thì vẫn còn khoảng cách. Do vậy, tập đoàn đã bắt tay vào xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực riêng với mục tiêu từ nay tới năm 2020 sẽ bổ sung khoảng 5.000 nhân lực mới phục vụ dịch vụ số. VNPT đã thực hiện hàng loạt chương trình hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, không chỉ riêng trong lĩnh vực chuyên ngành mà trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp… để phục vụ việc mở rộng cung cấp giải pháp cho các lĩnh vực này.

Trong khi đó, Tập đoàn Viettel từ những năm trước đã thành lập Viện Nghiên cứu phát triển và dành một khoản kinh phí không nhỏ hằng năm (4.000-5.000 tỷ đồng) để đầu tư cho khâu nghiên cứu, phát triển (R&D). Không chỉ thế, Viettel thường xuyên tổ chức các cuộc thi về ý tưởng, về sáng tạo, khởi nghiệp để thu hút nhân tài, tiếp nhận sáng kiến, ý tưởng của những người giỏi, để từ đó có những hợp tác cùng triển khai kinh doanh...

Trước sức ép của sự tồn tại và phát triển, hiện các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, viễn thông trong nước đều đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số. Việc chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ để giúp họ cung cấp dịch vụ tốt hơn, từ đó tăng trưởng tốt hơn; mà sự chuẩn bị sẵn sàng này cũng chứng tỏ họ luôn phải thay đổi, nếu không muốn mình bị động, tụt hậu hoặc để những doanh nghiệp công nghệ khác với mô hình kinh doanh khác tương tự như Uber, Grab... gây khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ: Nỗ lực đi đầu về sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.