Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định danh nông sản Việt

Thế Văn| 28/02/2022 06:13

(HNM) - Xây dựng thương hiệu cho nông sản không phải là câu chuyện mới nhưng luôn mang ý nghĩa thời sự, đặc biệt với Việt Nam - quốc gia xếp trong nhóm hàng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nhưng không có nhiều thương hiệu được định danh trên thị trường quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên quan trọng. Do vậy, những năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như: Gạo, cà phê, tôm, cá tra… Ở Hà Nội, một số thương hiệu nông sản cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường như: Nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê…

Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nước nhà chưa bao quát được các ngành hàng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thậm chí, ngay với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt tiêu… cũng chưa được chú trọng đúng mức.

Vì sao như vậy? Có nhiều nguyên nhân! Trước hết, một số nhà quản lý địa phương mới nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu xoay quanh tên sản phẩm, bao bì nhãn mác, tham gia các hội chợ và quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng... mà chưa chú trọng đến việc khách hàng đánh giá sản phẩm như thế nào. Thực tế cho thấy, muốn tạo dựng một thương hiệu đủ sức đứng vững trên thị trường, phải có chiến lược kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ, quảng bá... và điều đó rõ ràng không đơn giản, không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Đặc biệt, khi chưa hình thành được một hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản thì câu chuyện thương hiệu vẫn là cả vấn đề.

Để phát triển thương hiệu, định danh sản phẩm nông nghiệp nước nhà trên thị trường quốc tế, trước hết, ngành Nông nghiệp cần xây dựng một chiến lược tổng thể với hệ thống giải pháp căn cơ, bài bản. Với các ngành hàng, cần có hướng dẫn cụ thể về lộ trình và các công cụ để triển khai như tài chính, kỹ thuật, thị trường… cũng như các cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ… Cùng với đó là thúc đẩy các giải pháp nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; kiến thức về thị trường; về sở hữu trí tuệ và giá trị của tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như đội ngũ quản lý trực tiếp tại địa phương.

Mặt khác, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần quan tâm, xây dựng chính sách phù hợp; có cơ chế hỗ trợ tạo quỹ đất để thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh; các vùng nguyên liệu quy mô lớn với những sản phẩm đồng chất. Cùng với việc chú trọng công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, phát triển hệ thống thương mại, các địa phương cần giải quyết triệt để những bất đồng trong khai thác thương hiệu, không để phát sinh tranh chấp gây khó khăn cho việc quản lý và sử dụng, đặc biệt là với nhãn hiệu tập thể.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nhận thức rõ vai trò cũng như trách nhiệm trong việc xây dựng và khai thác thương hiệu của chính mình, từ đó định hướng phát triển sản phẩm; xây dựng chiến lược quảng bá, định hình thương hiệu phù hợp với đặc thù và năng lực. Mặt khác là không ngừng nâng cao chất lượng, bổ sung những giá trị mới cho sản phẩm; đồng thời thường xuyên đổi mới các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng…

Để tạo dựng, phát triển thương hiệu, định danh nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, cơ quan chức năng, các địa phương cần chú trọng triển khai các giải pháp định danh sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu; đặc biệt là chuyên nghiệp hơn trong việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, xây dựng hình ảnh nông sản nước nhà bảo đảm uy tín, chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định danh nông sản Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.