Góc nhìn

Đột phá mới, vị thế mới cho nông sản Việt

Bắc Vũ 11/01/2024 - 06:33

Với thành quả đáng ghi nhận trong năm 2023, xuất khẩu nông sản nước ta đang có nhiều kỳ vọng đạt những cột mốc mới mang tính bền vững hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo...

Khép lại năm 2023, vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường, ngành Nông nghiệp ghi dấu ấn về xuất khẩu nông sản với kim ngạch đạt trên 53 tỷ USD. Với kết quả này, xuất siêu đạt mức kỷ lục là 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% giá trị xuất siêu cả nước.

Trong đó, mặt hàng gạo đạt kim ngạch 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về giá trị xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay. Xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục mới khi đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022.

Đặc biệt, nhiều thông tin đáng mừng trong thời gian gần đây của ngành Nông nghiệp cũng là cơ sở quan trọng cho nông sản nước ta củng cố vị thế, uy tín trên thị trường quốc tế, nhất là với những thị trường “khó tính”. Trong đó, phải kể đến việc mới đây, giống gạo ST25 từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và giống gạo ST24 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Việc có tổng số 11 giống gạo được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này cũng như tăng giá trị xuất khẩu cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp hoàn thành thủ tục chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển ngành Lâm nghiệp ngày càng bền vững...

Thế mạnh, vị thế, uy tín của nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định cho thấy, chúng ta đang có lợi thế rất lớn hướng đến những kỷ lục mới trong năm 2024. Trong đó, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD.

Hiện nay, hệ thống giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản được ngành Nông nghiệp cùng các ngành chức năng và địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Trong đó, trên bình diện chung, toàn ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn với tinh thần xuyên suốt “hướng đến nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, có trách nhiệm”.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp - đây chính là nền tảng vững chắc cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Về giải pháp cụ thể, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thêm vấn đề cần lưu ý, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động xây dựng kịch bản, định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Về phía người sản xuất, cần đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng nhằm giữ vững và từng bước nâng cao hơn nữa vị thế, thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột phá mới, vị thế mới cho nông sản Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.