Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Thanh Hiền| 19/03/2023 07:36

(HNM) - Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà còn giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Người tiêu dùng chọn mua nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á, ở mức khoảng 15-16%. Đồng thời, việc hầu hết các sàn thương mại điện tử của Việt Nam đều nằm trong nhóm 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á là cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền.

Một lợi thế đáng kể nữa là việc gần đây các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề và các địa phương đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc tham gia các sàn quốc tế như Alibaba hay Amazon. Hoặc các sàn của Việt Nam có tham vọng mở rộng ra quốc tế, ví dụ như Vỏ Sò của Viettel, Postmart của Vietnam Post.

Đơn cử như Vỏ Sò (voso.vn) là sàn thương mại điện tử khá chú trọng vào đặc sản vùng miền và được bảo trợ bởi Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Không đơn thuần chỉ kinh doanh sản phẩm hàng hóa thông thường, mà đây còn là môi trường kết nối hàng Việt, giúp đưa các nông sản vùng miền đến với mọi miền của cả nước thông qua sàn thương mại điện tử.

Nhằm hỗ trợ các hợp tác xã và hộ kinh doanh nông nghiệp tiếp cận, khai thác hiệu quả của thương mại điện tử, Vỏ Sò đã ký kết hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương để đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, doanh nghiệp này cũng ký kết hợp tác với iCheck - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm. Với công nghệ truy xuất nguồn gốc của iCheck, các mặt hàng nông sản bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò sẽ được thông tin đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, công khai thông tin quá trình nuôi trồng, chế biến, đóng gói... giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin chính xác về sản phẩm.

Từ năm 2021 đến nay, kinh tế số nông nghiệp nông thôn đã được tỉnh Lạng Sơn triển khai, duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử portmart.vn và voso.vn. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 202.000 tài khoản bán và hơn 115.000 tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, đưa 19.438 lượt sản phẩm là nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP lên gian hàng trực tuyến. Doanh thu bán hàng trên kênh thương mại điện tử đạt hơn 13,7 tỷ đồng. Riêng sản phẩm quả na trên hai sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn đến nay đã có 593 đơn hàng với khối lượng tiêu thụ là 2.945kg...

“Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng nhấn mạnh.

Tương tự, Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có được thành công lớn trong tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử. Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, từ giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, cùng với yêu cầu đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản, những năm qua, Bắc Giang đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử, mang lại hiệu quả rất cao.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân chia sẻ, tiềm năng của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi mở rộng thị trường tiêu thụ trên các kênh thương mại điện tử là rất lớn. Không chỉ cung cấp mặt hàng vải thiều vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail, Winmart và các hệ thống siêu thị khác, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, hợp tác xã đã cung cấp trên hệ thống sàn thương mại điện tử và duy trì hoạt động đến nay.

Có thể nói, thương mại điện tử đã trở thành cầu nối giúp bà con phát triển nhanh trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có sự vào cuộc của các sở, ngành, các sàn thương mại điện tử trong việc tích cực hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, bán và giới thiệu hàng thông qua phát sóng trực tiếp (livestream), viết nội dung về sản phẩm, cũng như truy xuất nguồn gốc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.