(HNM) - Dù được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại, góp phần tích cực làm tăng tính cạnh tranh hàng hóa của quốc gia nhưng logistics của Việt Nam đang phát triển manh mún, thiếu định hướng.
Phát triển manh mún
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ hai vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2014 ngành logistics đã có bước tăng trưởng tốt hơn năm 2013, hiện đứng thứ 48 thế giới (năm 2012 đứng thứ 53). Tốc độ phát triển thị trường của dịch vụ này đạt khoảng 16-20%/năm. Các DN trong lĩnh vực này đã mở rộng quy mô, vốn điều lệ bình quân DN vừa và nhỏ tăng từ 4-5 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng; các DN lớn tăng vốn lên 96 tỷ đồng/DN.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng biển. |
Dù vậy, ông Ngô Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam lại cho rằng, sự phát triển của ngành logistics thời gian qua chủ yếu là do nhu cầu của thị trường chứ chưa phải do sự thay đổi về chất lượng, năng lực dịch vụ. Ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng cho biết, theo nghiên cứu và đánh giá của Viện Nomura (Nhật Bản) thì hiện các DN logistics của Việt Nam chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics. Hạ tầng logistics Việt Nam hiện nay còn hạn chế, manh mún, bất hợp lý; tổ chức quản lý còn chồng chéo và pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics còn chưa hoàn thiện, thiếu nhân lực trầm trọng…
Hạ tầng đã hạn chế, chính sách vận hành cảng lại bất hợp lý càng khiến ngành logistics bị thêm điểm trừ. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Hoa Sen và nhiều DN khác đã chọn đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ bởi nơi đây có cụm cảng quốc tế như Thị Vải, Cái Mép, Phú Mỹ… Tuy nhiên, trên thực tế thì DN này không thể sử dụng cụm cảng Phú Mỹ vì có rất ít tàu container chạy tuyến quốc tế cập cảng này, vì vậy DN này vẫn phải vận chuyển hàng hóa đến cụm cảng TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu khiến chi phí vận chuyển tăng gần 3 lần. Cụ thể, nếu xuất hàng từ khu vực Phú Mỹ thì chi phí vận tải nội địa một container 24 tấn là 1,8 triệu đồng, còn vận chuyển về cảng Cát Lái TP Hồ Chí Minh thì chi phí này là 4,6 triệu đồng. Theo ông Lê Phước Vũ, vận chuyển quốc tế của các DN logistics Việt Nam cũng rất hẹp khi chỉ loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… chưa thực hiện được các chuyến đi thẳng đến các thị trường lớn như Châu Mỹ, Châu Âu. Chính vì vậy, các DN xuất nhập khẩu Việt Nam muốn mở rộng đến các thị trường lớn đều bị lệ thuộc vào cước phí và lịch trình của các hãng tàu nước ngoài.
Hiện chưa có thống kê chính xác Việt Nam có bao nhiêu DN hoạt động trong lĩnh vực logistics. Nhiều DN có đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận… là những dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Theo nghiên cứu do Bộ GTVT kết hợp với WB thực hiện thì chi phí logistics ở Việt Nam chiếm 20,9% GDP. Đây là con số không tồi so với các nước đang phát triển, nhưng còn khá cao so với các nước phát triển là 9-15% GDP. |
Chính sách thiếu đồng bộ
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng cạnh tranh hàng hóa của quốc gia. Chính vì vậy, thời gian qua Việt Nam đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống cảng biển cũng đang được đầu tư. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng xác nhận việc kết nối cảng với vùng tập trung hàng hóa còn yếu; bên cạnh đó là những hạn chế của ngành logistics từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết triệt để như công tác quy hoạch ngành logistics chưa có, khả năng cung ứng dịch vụ chất lượng cao còn thấp, năng lực cạnh tranh của DN trong lĩnh vực này còn kém…
Theo ông Ngô Thanh Minh, không ít cán bộ cơ quan hữu quan chưa hiểu hoàn chỉnh về logistics, xem logistics chỉ là dịch vụ giao nhận vận chuyển, hoặc xem logistics quyết định tất cả mà chưa thấy sự kết nối của ngành này vào chuỗi cung ứng. Điều này đã hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển của logistics khi rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chưa thể thực hiện. Để cải thiện hoạt động logistics thì nên chọn từng khâu đột phá trong từng thời kỳ để thực hiện có hiệu quả. Chẳng hạn, một biện pháp có thể thực hiện ngay mà không tốn kém, mất thời gian là cải tiến hoạt động ở các cửa khẩu nhằm bảo đảm tính minh bạch trong thủ tục hải quan. Việc rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu sẽ giúp giảm chi phí cho DN. Nhiều DN cũng cho rằng cần thiết phải hình thành một cơ quan cấp quốc gia cho hoạt động logistics như lập một ban điều phối quốc gia hoặc giao Bộ Công thương đảm đương vai trò này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.