Hà Nội kết nối

Phát huy vai trò chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu phía Nam

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 25/12/2023 - 19:19

Chiều 25-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị bàn tròn về thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

bnnptnt-25-12.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, đặc điểm của logistics vùng Đông Nam Bộ là tập trung nhiều doanh nghiệp logistics, nhiều kho lạnh nhất cả nước. Đây là vùng có hạ tầng logistics đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã hình thành các trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho nông, lâm, thủy sản. Vùng này cũng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp và chăn nuôi. Đồng thời, hệ thống phân phối hiện đại có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đang bị quá tải và thiếu kết nối do chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả, thiếu kết nối giữa đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa.

Trong khi đó, các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ. Vùng này hiện cũng thiếu nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.

cai-mep-thi-vai.jpg
Cảng Cái Mép - Thị Vải giữ vai trò quan trọng trong chuỗi logistics này.

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với thế mạnh đường thủy nội địa với 23.000km có khả năng khai thác vận tải, kết nối chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ qua bốn phương thức vận tải gồm: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không đã và đang hình thành các khu kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đầu tư khai thác đúng mức đường thủy nội địa, hệ thống cảng còn lạc hậu và khó mở rộng; thiếu hạ tầng trung tâm logistics như kho bãi, các hệ thống trung tâm vệ tinh, bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn, kho lạnh; phần lớn các dịch vụ logistics còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối giữa các phương thức vận tải.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này tập trung nhiều doanh nghiệp có kho lạnh nhất. Đáng chú ý, nơi đây có tới 4 kho lạnh có quy mô trong khoảng 50.000m² đến 200.000m². Thành phố cũng là thị trường tiêu thụ thực phẩm khổng lồ, kéo theo nhu cầu bảo quản thực phẩm tăng cao.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets, trong đó, miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của dịch vụ logistics của miền Nam trong chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trên cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là ngành mới, nhiều tiềm năng. Hiện, chủ trương, cơ chế, chính sách đã có nhưng áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics liên quan chưa đáp ứng. Do đó, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống logistics nội địa, trung tâm vùng, trọng tâm là khu vực phía Nam.

“Đối với nông sản, khó nhất và lớn nhất là đầu tư các hệ thống kho lạnh. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm thí điểm trung tâm logistics nông sản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.