(HNM) - Là một trong những thành phố tiêu biểu trên thế giới được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999, suốt 20 năm qua, Hà Nội không ngừng nỗ lực vươn lên, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động về những thành tựu trong bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống thông qua hệ thống di sản văn hóa của Thủ đô.
- Thành phố Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có những giá trị nổi bật từ nền tảng truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Những giá trị ấy phản chiếu qua hệ thống di sản văn hóa của Thủ đô thế nào, thưa ông?
- Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Những giá trị ấy hiển hiện qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hàng trăm lễ hội đặc sắc, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng…
Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội: Những giá trị lịch sử của vùng địa linh nhân kiệt, những tri thức sâu sắc và phong phú, sự đa dạng và đậm tính nhân văn của đời sống tâm linh... Xuyên suốt và nổi bật trong đó là truyền thống anh dũng, kiên cường bảo vệ đất nước, truyền thống hòa hiếu, nhân nghĩa, khát vọng hòa bình. Những yếu tố này đặc biệt gắn bó và gần gũi với những tiêu chí để UNESCO xác nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội.
- Sự ghi nhận của UNESCO mang lại niềm tự hào cho Hà Nội, thúc đẩy chính quyền và nhân dân Thủ đô không ngừng vươn lên, xây dựng thành phố hiện đại, đậm đà bản sắc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hà Nội 20 năm qua đã giành được những thành tựu gì, thưa ông?
- Trong hai thập kỷ qua, bảo tồn di sản, phát triển văn hóa luôn là một trong những nhiệm vụ được thành phố coi trọng. Điều này được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố mà trọng tâm là Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04).
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể; triển khai bài bản, có hiệu quả chương trình giáo dục di sản. Hà Nội cũng là nơi dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước vinh danh (83 người). Trong số 6.000 di tích và trên 1.700 di sản văn hóa phi vật thể nói trên, thành phố đang sở hữu 1 di sản văn hóa thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; 1 di sản tư liệu thế giới... do UNESCO ghi danh. Ngoài ra, còn có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 2.000 di tích cấp quốc gia, 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...
Di sản văn hóa không chỉ là cốt lõi của bản sắc dân tộc mà còn là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Với mục tiêu này, Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tổ chức thành công hàng trăm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa dân gian đương đại, lễ hội giao lưu văn hóa… Trong đó, nhiều lễ hội đã trở thành thương hiệu cho hoạt động quảng bá, tôn vinh di sản Thủ đô.
Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa cũng mang lại nhiều kết quả. Chỉ riêng năm 2018, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, một trong những nơi được đánh giá là không gian sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Thủ đô đã tổ chức thành công 122 sự kiện hợp tác, giao lưu quốc tế, trong đó, nhiều sự kiện gắn với di sản văn hóa Hà Nội. Cuối năm 2018, Hà Nội hợp tác với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất bản sách “Di sản phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại”; gần đây nhất là hợp tác với Hiệp hội Kéo co Hàn Quốc, tổ chức giao lưu và trình diễn kéo co tại hai nước.
- Xu hướng đô thị hóa đặt ra nhiều thách thức cho việc dung hòa giữa bảo tồn và phát triển. Với Hà Nội, nơi hội tụ của hàng nghìn di sản văn hóa, thời gian tới, thành phố cần tập trung vào những việc gì để giải quyết vấn đề trên?
- Thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Thủ đô, các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI. Triển khai có hiệu quả Chương trình 04; đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa” đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Các phần việc chính cần tập trung là tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích; có chính sách hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý, ngành Văn hóa kêu gọi người dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa của thành phố. Với sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, sự nghiệp bảo tồn di sản, phát triển văn hóa của Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá, xứng tầm với vai trò và vị thế Thủ đô của đất nước - “Thành phố nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.