(HNMCT) - Việc các cơ quan chức năng có văn bản không đồng ý tổ chức chương trình "Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019" (dự kiến diễn ra tối 13-7 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô) vào phút chót có thể xem là một động thái mạnh mẽ, một câu trả lời mà dư luận đang ngóng chờ trước tình trạng loạn danh hiệu hiện nay.
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có nhiều danh hiệu, danh xưng “ông hoàng, bà chúa” như hiện nay. Từ việc ăn có “vua gà nướng”, “vua vịt trời”, đến mặc có “nữ hoàng nội y”, rồi nhảy múa ca hát có “ông hoàng nhạc Việt", “nữ hoàng bolero"... Rõ ràng, từ sàn diễn ra đến đời sống, không ít người thích khoác lên mình những “chiếc áo danh hiệu” rồi tự vỗ ngực và tự huyễn hoặc bản thân. Nhưng với công chúng, những danh hiệu đó cũng giống như thùng rỗng kêu to. Thậm chí cả những danh hiệu mà tưởng chừng phải qua thi cử, bình chọn như: Nữ hoàng sắc đẹp, hoa hậu, á khôi... cũng trở nên nhàm chán, ít giá trị bởi tình trạng “loạn cào cào” của nó.
Vừa qua, dư luận hết sức bất ngờ khi biết thêm một thứ danh hiệu lạ lùng - "Nữ hoàng văn hóa tâm linh". Đây là danh hiệu được trao tặng trong lễ tôn vinh "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" tổ chức năm 2018. Danh hiệu này, một mặt khiến những người có hiểu biết cảm thấy nực cười bởi nó quá đại ngôn, không phù hợp với truyền thống coi trọng văn hóa tâm linh của người Việt. Mặt khác, nó cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi giữa "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" và "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" liệu có liên quan gì? Và không chỉ có danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh", lễ tôn vinh "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" còn tôn vinh rất nhiều “nữ hoàng" khác như: "Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam", "Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam"...
Hơn nữa, "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" cũng chỉ là một trong rất nhiều sự kiện tôn vinh, công nhận đủ loại danh hiệu đang được tổ chức rầm rộ hằng năm ở nước ta.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta lại có nhiều loại danh hiệu tào lao như thế? Tất cả có lẽ chỉ có thể giải thích hợp lý bằng thói háo danh. Thông tin trên các diễn đàn, báo chí cho thấy nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra "mua" danh hiệu và các đơn vị tổ chức thì sẵn sàng "đẻ" thêm danh hiệu để đáp ứng nhu cầu người "mua". Có những danh hiệu bèo bọt đến mức chỉ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng cũng có những danh hiệu phải mua bằng cả trăm triệu đồng, được hợp thức hóa thông qua nhiều hình thức tài trợ...
Từ xưa, trong nhiều câu chuyện cổ dân gian, ông cha ta đã không ngừng phê phán thói trưởng giả, háo danh. Nay, ở thời đại 4.0, khi mọi thứ đều dễ dàng được thẩm định qua nhiều kênh khác nhau, lại càng không khó nhận ra bản chất thật của những thứ danh hiệu ảo ấy. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” xem ra vẫn là bài học cần phải nhắc lại trong đời sống hiện nay. Việc cơ quan chức năng “tuýt còi” chương trình "Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019" cho thấy sắp tới đây hoạt động này có thể sẽ được siết chặt. Và đó là tín hiệu đáng mừng bởi công chúng luôn mong mỏi loại bỏ những danh hiệu tầm phào khỏi đời sống!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.