Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất xây dựng chiến lược chuyển đổi số chung cho toàn ASEAN

Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)| 13/09/2018 15:32

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng nay (13-9), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham gia phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu”.
(Ảnh: moit.gov.vn)


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ, từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng...

Do những thay đổi mang tính cách mạng khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp. Công nghệ số ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm đồng thời tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh đó, ứng dụng các công nghệ số cũng giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. 

Năm 2014, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 2,97 tỷ USD, chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 29% mỗi năm, đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm và doanh số thương mại điện tử B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, kể cả dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.

Để phát triển kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN, trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số...

Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm về một số nội dung đáng chú ý như xu hướng số hóa trong khu vực, chiến lược hợp tác giữa các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước trong tiến trình số hóa, tiềm năng và sự sẵn sàng đối mặt với Cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất xây dựng chiến lược chuyển đổi số chung cho toàn ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.