(HNM) - Theo Bộ Công Thương, hàng Việt Nam hiện đã chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt chiếm 60-96%. Còn tại kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60% trở lên. Đặc biệt, 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng.
Còn theo thống kê của Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hơn 90% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt bởi giá cả phải chăng, nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng không thua kém hàng ngoại. Hàng Việt hiện diện khắp nơi trong mỗi gia đình, công sở. Nhiều sản phẩm Việt Nam tạo dựng được thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài.
Thực sự, đây là những con số “biết nói”, khẳng định hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho thấy hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm vị thế quan trọng với người tiêu dùng, sẵn sàng cạnh tranh và giữ thị phần trên “sân nhà” - thị trường nội địa, qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Với ý nghĩa quan trọng đó, đồng thời trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, vấn đề đặt ra là phải duy trì và tiếp tục nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trên thị trường nội địa, tiếp tục chinh phục niềm tin yêu của người tiêu dùng. Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể. Đó là đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín; phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa các kênh thương mại hiện đại và phương thức phân phối truyền thống…
Các bộ, ngành, chính quyền, cấp ủy các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi mà các doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển. Hình thức vận động, tuyên truyền phải tiếp tục đổi mới, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, lĩnh vực.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục đồng hành cùng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng những việc làm thiết thực, như: Phát triển hệ thống bán hàng, nâng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mại, coi trọng dịch vụ sau bán hàng và cam kết với người tiêu dùng… Giữ gìn chất lượng, bảo đảm giá cả, độ an toàn của sản phẩm, nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm là những yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần thực hiện để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.