Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt nỗ lực đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã bắt mắt, thân thiện, tập trung xây dựng thương hiệu…
Nhờ đó ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng.
85% người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt bảo đảm chất lượng
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, hiện tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.
Cùng với đó, hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ hơn 90% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và từ 60% đến 90% tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi trên kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60% trở lên.
Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hàng Việt được trưng bày ngày càng đa dạng về mẫu mã, trong đó thực phẩm chiếm đa số. Đơn cử tại chuỗi siêu thị GO!, Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.
Hay tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ lệ hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức 80-90% về số lượng, hơn 30% về doanh thu mặt hàng nông sản.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, có tới 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt nếu có sự lựa chọn. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, xã hội và sức khỏe, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại cho sức khỏe và thiên nhiên.
Đánh giá về kết quả này, bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) nhận định, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON Hà Đông Nguyễn Thị Hải Thanh, nhà cung cấp hàng Việt thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mại hằng tuần, hằng tháng. Bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao so với hàng nước ngoài.
Không chỉ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng vào các hệ thống phân phối, kênh bán lẻ hiện đại, thời gian qua, thành phố Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Qua hàng loạt hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng, hơn 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành phố đã được giới thiệu đến hệ thống phân phối của Hà Nội…
Đây không chỉ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng, mà còn là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, thụ hưởng các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn.
Mua sắm tại Tuần hàng Việt Nam thành phố Hà Nội năm 2024 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, chị Nguyễn Thanh Lan (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, từ các loại thực phẩm thiết yếu, thực phẩm công nghệ đến hàng tiêu dùng, hóa phẩm, may mặc... trong nước đều có giá cả hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc rõ ràng.
Doanh nghiệp Việt cần lấy uy tín thương hiệu làm trọng
Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt đã thay đổi phong cách mua sắm, không còn tâm lý sính hàng ngoại khi hàng Việt ngày càng tốt hơn. Việc chú trọng đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố Hà Nội, với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, ngành Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, các sự kiện quảng bá hàng Việt Nam thông qua phối hợp với hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, bảo đảm người tiêu dùng Thủ đô có thể tiếp cận hàng Việt dễ dàng, an toàn nhất.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, các cấp, ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, tiếp cận công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử.
Để nâng cao vị thế của hàng Việt, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, trước hết, cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.
Hơn nữa, doanh nghiệp chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lấy chữ tín làm trọng, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất, không chỉ đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa, thành phố cần nghiên cứu đưa hàng Việt vào kênh phân phối của nước ngoài; có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước đi cùng với chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong khi đó, doanh nghiệp chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương - Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung…, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra tại các đơn vị, địa phương. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.