Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để mối “lương duyên” thêm bền chặt...

Minh Ngọc| 14/05/2017 07:53

(HNM) - Ý tưởng tăng cường sự liên kết giữa bảo tàng và di tích trên địa bàn TP Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ khách tham quan đã thành hiện thực khi một số cơ quan quản lý bảo tàng, di tích trọng điểm thuộc các bộ, ngành trung ương và Hà Nội vừa ký chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021.


Khắc phục tình trạng "gần nhà xa ngõ"

Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều bảo tàng (BT) quan trọng như BT Lịch sử quốc gia, BT Hồ Chí Minh, BT Lịch sử quân sự Việt Nam, BT Mỹ thuật Việt Nam, BT Dân tộc học… Thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật, nghiên cứu khoa học, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội…, các BT đã trở thành những đơn vị đa chức năng. Ngoài việc thông tin, BT còn giới thiệu, quảng bá văn hóa, giáo dục, giải trí.

Khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Ngọc


Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống di tích - nơi lưu giữ, chuyển tải các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu - vô cùng phong phú, đa dạng. Nổi bật là Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò…

“Với nhiều nét tương đồng, các thiết chế này có thể bổ sung cho nhau để cùng hoàn thiện, nâng cao giá trị. Cái “bắt tay” giữa cơ quan quản lý sẽ giúp các thiết chế hợp thành khối thống nhất nhằm phát huy tối đa sức mạnh nội lực” - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến nhận xét.

Ý tưởng tạo liên kết là đáng ghi nhận bởi trong nhiều năm qua, tại Hà Nội, các thiết chế văn hóa trọng điểm tuy ở gần nhau nhưng luôn ở trong tình trạng “gần nhà xa ngõ”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Như Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và BT Mỹ thuật Việt Nam chỉ cách nhau một đoạn đường Nguyễn Thái Học nhưng không có lối thông sang nhau.

BT Lịch sử quân sự Việt Nam ngăn cách với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long bằng một… bức tường. Di tích Nhà tù Hỏa Lò và BT Công an Hà Nội là “hàng xóm”. BT Lịch sử quốc gia nằm trong Khu phố cổ Hà Nội nhưng hai đơn vị này hiếm khi kết hợp đón tiếp, phục vụ du khách… Các đơn vị thiếu phối hợp, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, BT Hồ Chí Minh đón tiếp hàng triệu lượt khách, trong khi BT Mỹ thuật Việt Nam chỉ đón khoảng 50 vạn lượt khách. Nhiều du khách tham quan Khu phố cổ Hà Nội không biết đường đến BT Lịch sử quốc gia…

Sau khi ký kết chương trình hợp tác, cơ quan quản lý di tích, BT sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích, BT bằng nhiều hình thức; phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, trưng bày. Tuy nhiên, tình trạng tách biệt về địa giới vẫn không dễ khắc phục.

Giám đốc BT Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, mối liên kết giữa BT này với Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể phát huy hiệu quả nếu giữa hai thiết chế có lối đi an toàn dành cho du khách. Hiện tại, tuyến đường Nguyễn Thái Học đi qua hai điểm đến này chịu áp lực lớn về giao thông, khó có thể bố trí thêm điểm dừng. Việc xây dựng cầu vượt hoặc đường hầm nối hai điểm đến cũng không dễ thực hiện bởi mọi sự tác động đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - dù là nhỏ nhất - cũng cần sự cho phép của các cơ quan chức năng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, tìm giải pháp hợp lý nhằm khắc phục tình trạng “gần nhà xa ngõ” nói trên.

Hoàn thiện hệ thống dịch vụ

Để mối liên kết giữa các thiết chế phát huy hiệu quả, việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ tại mỗi nơi cần phải được thực hiện một cách đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trên toàn tuyến.

Khảo sát thực tế cho thấy, đa số di tích, BT trên địa bàn Hà Nội chưa hoàn thiện hệ thống dịch vụ phục vụ khách tham quan. Dịch vụ chưa phong phú, phổ biến là kinh doanh ẩm thực, cà phê, hàng lưu niệm… Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Huy, đáp ứng nhu cầu của du khách là mục tiêu quan trọng của các di tích, BT, giữ được khách ở lại càng lâu thì càng thành công. Để làm được điều này, dịch vụ tại các điểm đến cần được nâng cao chất lượng để vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách, vừa không ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian văn hóa. Sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm cũng cần chuyển tải được các thông điệp về điểm đến.

Đồng quan điểm nói trên, Giám đốc BT Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ: Khách tham quan đánh giá chất lượng BT qua nội dung trưng bày, thuyết minh, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ ăn uống. Hiện nay, BT Phụ nữ Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu của đa số nên lượng khách đến ngày một tăng.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò thiết kế sản phẩm lưu niệm liên quan trực tiếp đến di tích như bát dừa - loại bát mà các chiến sĩ cách mạng bị giam tại Hỏa Lò dùng để ăn cơm; bút gỗ khắc lôgô Nhà tù Hỏa Lò, tranh cổ động kháng chiến; lá bàng ép khô đề thơ - gắn liền câu chuyện về cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò… Đó là những mặt hàng lưu niệm được du khách nhiệt tình đón nhận.

“Phát triển hệ thống dịch vụ, tạo sự hài lòng cho khách tham quan là cách truyền thông, quảng bá về bảo tàng, di tích bền vững, hiệu quả nhất. Thương hiệu điểm đến nhờ đó cũng được nhiều người biết đến”, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy nói.

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định rằng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ tại các BT, di tích và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thiết chế này là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để mối “lương duyên” thêm bền chặt...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.