(HNMO) - Ngày 15-1, Hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” đã diễn ra tại Hà Nội nhằm quảng bá giá trị văn hóa và xã hội của lưu trữ phim, đồng thời xem xét các tiềm năng hợp tác giữa các ngành khác nhau, giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam và nằm trong chuỗi hoạt động “Phim như một di sản văn hóa” của Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Viện phim Việt Nam, diễn ra từ ngày 15 đến 18-1, bao gồm: Hội thảo, workshop và chiếu phim dành cho công chúng.
Các diễn giả và đại diện một số đơn vị lưu trữ phim nhà nước tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Huyền |
Hội thảo chuyên đề “Phim như một di sản văn hóa” có sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế: Nhà báo, nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm; ông Lê Tuấn Anh, Viện phim Việt Nam; nhà làm phim Phan Đăng Di; ông Frank Gray, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ phim Screen Archive South East; bà Shona Thomson, sáng lập và điều hành tổ chức A Kind of Seeing, Anh quốc.
Thông qua hội thảo, các diễn giả đã bày tỏ tầm quan trọng của "di sản" điện ảnh. Những thước phim chứa đựng giá trị về lịch sử, con người, đất nước, như nhà phê bình phim điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Thông qua điện ảnh, ta thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, ra đi và trở về của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây”.
Bộ phim "Mùa ổi" - tác phẩm điện ảnh Việt Nam được trình chiếu miễn phí trong khuôn khổ hoạt động “Phim như một di sản văn hóa” (ảnh tư liệu). |
Tại hội thảo, ông Lê Tuấn Anh đã công bố những số liệu về việc lưu trữ phim nhựa và phim số, đồng thời đề cập đến những khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản phim.
Bàn về vấn đề lưu trữ phim, các diễn giả đều cho rằng, quá trình lưu trữ phim cần phải có sự tương tác hai chiều, mang tính cộng đồng để "di sản" điện ảnh thực sự sống.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa đến những hướng đi cho việc làm phong phú nền điện ảnh nước nhà, như làm sống lại các di sản điện ảnh cũ bằng việc đưa chúng vào những tác phẩm mới hay ý tưởng thành lập bảo tàng phim riêng của mỗi cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.