(HNMCT) - Việc gần 300 cuốn phim ở Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng nặng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người yêu điện ảnh. Dẫu có những quan điểm trái chiều về giá trị sử dụng của những cuốn phim trong bối cảnh hiện nay, không thể không xót xa trước thực tế là một phần di sản điện ảnh Việt đang bị hư hỏng, không thể không sốt ruột trước tốc độ số hóa để lưu trữ phim nhựa nói chung.
Di sản đang mất đi
Như Hànộimới đã nhiều lần đưa tin, những bất cập trong việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã khiến hãng này rơi vào cảnh “chết lâm sàng” suốt 7 năm qua. Cơ sở vật chất của hãng xuống cấp nặng nề. Đặc biệt, thông tin mới đây về việc toàn bộ phim trong kho lưu trữ của VFS (291 bộ phim, gồm 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ và 13 phim do VFS tự hợp tác sản xuất) bị hư hỏng nặng đã một lần nữa thổi bùng lên những bức xúc chưa bao giờ nguôi của các nghệ sĩ hãng VFS. Khoảng 20 nghệ sĩ của VFS đã ký vào đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo các nghệ sĩ: "Những bộ phim này đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đi trước. Nhiều bộ phim đạt thành tựu lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, là di sản văn hóa của cả dân tộc. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án đánh giá công khai, minh bạch thiệt hại này để Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso có phương án đền bù".
Trả lời về vấn đề nói trên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, từ trước tới nay, chức năng nhiệm vụ của VFS luôn được quy định là sản xuất phim, không phải lưu trữ. Bên cạnh đó, các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển, đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu. Trước đó, chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Vivaso khẳng định, lưu trữ phim là “một sự lãng phí” vì hiện không còn nơi nào sử dụng máy chiếu phim nhựa nữa (!?).
Các nghệ sĩ không đồng tình với những phát biểu nói trên. Bởi rõ ràng, cho dù đây không phải là những thước phim gốc độc bản nhưng không thể phủ nhận được giá trị văn hóa, lịch sử của những thước phim di sản này. Tuổi đời của những bản phim này phản ánh lịch sử VFS nói riêng cũng như điện ảnh Việt Nam nói chung. NSND Thanh Vân bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Hãng Phim truyện Việt Nam xứng đáng được bảo tồn vì những giá trị không thể thay thế trong lịch sử văn hóa của dân tộc, mà linh hồn của việc bảo tồn này chính là những thước phim đã trở thành di sản. Và nó cũng thực sự là một tài sản khi phần lớn được in tráng ở Thái Lan, ở những thập niên cuối cùng của việc sản xuất phim nhựa với giá tương đương hiện tại là 1.000 USD cho 1 bản dương bản, cộng các chi phí kèm theo, sẽ mất hơn 30 triệu đồng. Việc để "chết" những thước phim mà nếu bảo quản đúng chuẩn sẽ có tuổi đời gần 100 năm, có bị coi là "vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" không?”.
Giải pháp số hóa: Nhanh hơn nữa!
Còn nhớ, trong Hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Viện Phim Việt Nam tổ chức cách đây 2 năm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có chia sẻ: “Nếu được giữ trong lồng kính, một cuộn phim có thể tồn tại 500 năm. Nhưng trên thực tế, không có cuộn phim nào như vậy cả. Hãy tưởng tượng 500 năm nữa, nhiều đời con cháu chúng ta sẽ hoang mang thế nào nếu nhìn vào khoảng không trống rỗng và thốt lên: “Trời ơi, tất cả những cuốn phim này đã hỏng”. Thời điểm ấy, ít ai ngờ được, gần 300 cuốn phim như vậy ở VFS - hãng phim được coi là anh cả của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam - đã hỏng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chính vì vậy, câu chuyện số hóa phim trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của Viện Phim Việt Nam tại hội thảo kể trên, công tác lưu trữ, bảo quản và số hóa phim Việt Nam hiện gặp nhiều thách thức. Viện Phim Việt Nam đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi đang dần hạn chế vì các hãng ngừng sản xuất; thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng..., nên khó bảo quản phim nguyên vẹn. Ông Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật Viện Phim Việt Nam, cho biết: Mỗi năm, Viện chỉ có thể số hóa được 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi đó, số lượng phim nhựa cần số hóa là 80.000 cuốn, mà khả năng lưu trữ hiện nay cũng chỉ có thể chứa 600 cuốn phim ở độ phân giải từ 2K trở xuống.
Nhiều chuyên gia khẳng định, các bộ phim tài liệu, phim điện ảnh vốn liên quan sâu sắc tới tiến trình lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, vì vậy, việc lưu trữ, bảo quản chúng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, từ câu chuyện của VFS và với tiến độ số hóa như hiện nay, người yêu điện ảnh không thể không sốt ruột. Hy vọng di sản điện ảnh sẽ được bảo quản với nhiều bản phim, ở nhiều định dạng để chúng ta luôn có “phương án dự phòng” cho di sản quý báu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.