(HNM) - Tại hội nghị của UBND TP Hà Nội ngày 17-3 vừa qua, lãnh đạo thành phố cùng các bộ, ngành và Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ một lần nữa cho ý kiến đối với Đồ án
Đây là cơ sở để hoàn thiện đồ án trình HĐND TP thông qua, đồng thời đề nghị Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới. Cũng một lần nữa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tỏ rõ quan điểm: Quy hoạch chung phải hết sức thực tế và khả thi; phải làm rõ và định lượng được các mục tiêu làm cơ sở thực hiện...
Việc công khai trưng cầu ý kiến các nhà chuyên môn và người dân đối với dự thảo Đồ án Quy hoạch chung về phát triển Thủ đô Hà Nội cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt và là việc làm cần thiết đối với một Thủ đô của một đất nước có tới trăm triệu dân, một Thủ đô có hàng nghìn năm tuổi. Quy hoạch chung này được Chính phủ quan tâm từ sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (ngày 1-8-2008) và kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ thực hiện, từng bước một, dự thảo Quy hoạch chung đã được đưa ra lấy ý kiến từ nhiều phía và đã được tiếp thu, chỉnh lý với tinh thần cầu thị. Song, Quy hoạch chung vẫn thiếu tính cụ thể, nhiều vấn đề chưa rõ; đặc biệt, điều mà nhiều người lo ngại rằng những "căn bệnh đô thị", như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, quá tải dân cư... mà hệ lụy của nó đã và đang ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư - liệu có chữa được?
Tầm nhìn vĩ mô hay là điểm đến phù hợp cho Hà Nội? "Định tính" chung chung hay "định lượng" cụ thể bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn đối với từng loại đô thị, từng lĩnh vực, từng mảng cho một Thủ đô vài chục năm nữa?... Tất cả đều đã và đang được trưng cầu, được trần tình, cuối cùng để có một Quy hoạch chung hoàn thiện, có tính khả thi cao. Cái gọi là định dạng, định vị cụ thể đó là ở sự phân bố dân cư, lao động - việc làm, giao thông đô thị tại thành phố trung tâm, thành phố vệ tinh như thế nào, tất cả đều hướng tới một mô hình ổn định, hiệu quả nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân; nhằm khắc phục tình trạng quá tải về dân số nội thành hiện nay (khoảng 11.000 - 12.000 người/km2 - một con số rất đáng lo ngại). Khi đề cập tới "không gian xanh", trong quy hoạch không thể "quên" khai thác Hồ Tây hay sông Tô Lịch. Tương tự, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn ngày càng trầm trọng, đặc biệt, nạn ùn tắc giao thông. Nguyên nhân đã rõ, là do hạ tầng giao thông đô thị yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô; chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh; diện tích dành cho đường giao thông mới chiếm khoảng 7% diện tích đất đô thị; hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ chưa nhiều; chưa hình thành được các tuyến xe điện ngầm, đường sắt đô thị...
Vậy Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội phải "bắt mạch", "chữa bệnh" ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường-những vấn đề bức xúc hiện nay. Và nữa, Hà Nội là Thủ đô có nghìn năm tuổi với hơn 5.000 di tích (trong đó có gần 1.000 di tích được xếp hạng quốc gia, chiếm 40% số di tích của cả nước); gần 1.300 làng nghề, lại lưu giữ dấu ấn Hoàng thành, phố cổ, làng cổ xứ Đoài, thắng cảnh chùa Hương, chùa Thầy... Vậy để bảo đảm một Thủ đô "bản sắc", thì việc quy hoạch phố cổ - phố cũ - đô thị đương đại và đô thị mới đòi hỏi hài hòa giữa bảo tồn di sản với sự phát triển. Tất cả đều phải định vị cụ thể; tất cả đều phải xem xét từ góc độ khoa học và thực tiễn.
Tầm nhìn quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và viễn cảnh đến 2050 phải được đặt trong sự phát triển hài hòa giữa vùng Hà Nội với các vùng khác trong cả nước; đồng thời phải giải quyết tận gốc căn nguyên của "bệnh đô thị" như nêu trên. Đó cũng chính là mong muốn của chúng ta, là có một Thủ đô "bản sắc và hiện đại", phát triển bền vững, môi trường sống, sinh hoạt giải trí đạt chất lượng cao và có môi trường đầu tư thuận lợi trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.