(HNM) - Con số 199 cơ sở, công trình nhà cao tầng ở Hà Nội còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy (theo Thông báo 64/TB-VP ngày 5-4-2018 của UBND TP Hà Nội), mà trong đó phần lớn là các chung cư có lẽ không còn làm nhiều người giật mình bởi đây là thực trạng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố.
Lo lắng, bức xúc... hàng loạt cư dân sinh sống tại các chung cư này đã đồng loạt căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, khắc phục... Ngược lại với sự sốt sắng của cư dân, nhiều chủ đầu tư vẫn chây ỳ, chậm khắc phục vi phạm.
Điều đáng nói, những vi phạm tại các cơ sở, nhà chung cư không chỉ tồn tại trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực (4-10-2001), mà ngay cả với nhiều công trình cao tầng đang hoàn thiện hiện nay vẫn nảy sinh nhiều vi phạm. Dù đã bị bêu tên, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có cơ sở còn bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra..., song xem ra những chế tài này chưa đủ sức răn đe. Số vụ cháy chung cư tỷ lệ thuận với số vi phạm về phòng cháy, chữa cháy...
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp. Việc rà soát toàn bộ hệ thống chung cư, nhà cao tầng đã được thực hiện, từ đó phân loại thành từng dạng để có giải pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt là việc lập "danh sách đen" và cho khắc phục trong thời hạn cụ thể, ràng buộc trách nhiệm rất rõ với chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà. Dù chưa khắc phục được hoàn toàn, song đã có những biến chuyển nhất định. Trong tổng số 79 công trình nhà cao tầng đăng công báo năm 2017, tính đến nay đã có 53/79 công trình đã được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy...
Rõ ràng, trên thực tế, các giải pháp từ mềm mỏng đến quyết liệt đều đã được áp dụng, song nhiều chủ đầu tư vẫn vi phạm. Khắc phục điều này, nhiều chủ đầu tư phải tìm giải pháp thay thế theo kiểu "đẽo cày giữa đường", vừa gây thêm thiệt hại, vừa gây bức xúc dư luận mà hiệu quả vẫn không cao...
Cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, buộc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm với "sản phẩm" của mình. Đặc biệt, với những công trình đang hoàn thiện, cơ quan chức năng cần kiểm tra kịp thời, chỉ khi công trình được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy mới cho cư dân về ở.
Muốn vậy, cơ quan chuyên ngành về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy phải có sự phối hợp với chính quyền sở tại. Mạnh ai nấy làm sẽ tạo kẽ hở để chủ đầu tư né trách nhiệm, và chủ thể chịu thiệt thòi nhất vẫn là chính cư dân...
Để bảo đảm mọi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đều phải được khắc phục, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu chủ đầu tư trích một khoản tiền tương đương với giá trị công trình hệ thống phòng cháy, chữa cháy lập thành tài khoản riêng do cơ quan nhà nước quản lý. Đây sẽ là khoản kinh phí để bảo đảm nếu chủ đầu tư thoái thác trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có cơ sở để hoàn thiện hệ thống này thay chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cư dân nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Mỗi người nên là một giám sát viên, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy trước khi nhận bàn giao nhà.
Rõ ràng, thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu các quy định về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời xử lý quyết liệt, triệt để vi phạm là cách duy nhất để tránh tái diễn tình trạng mất an toàn trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.