Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Cần xác định rõ lộ trình thực hiện

Nguyễn Văn Tư| 01/08/2015 05:40

(HNM) - Các chương trình, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn Thủ đô được triển khai trong thời gian qua đã cho những

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010-2015, thành phố đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GT-VT. Hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách và vốn tư nhân đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, đường trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng. Đặc biệt, các công trình trọng điểm quốc gia và của thành phố như nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3, Đường 5 kéo dài… được hoàn thành đã góp phần quan trọng nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng với tầm vóc và vị thế của Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chủ động, sáng tạo khi quyết tâm xây dựng 7 cầu vượt nhẹ bằng thép. Thành quả rõ nét nhất từ việc đưa vào khai thác hàng loạt công trình không chỉ thể hiện bằng các công trình đồ sộ, hiện đại mà còn ở những con số rất biết nói về giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Nếu như vào các giai đoạn trước, ùn tắc đã trở thành một vấn nạn đối với giao thông khu vực nội đô với 124 "điểm đen" thì đến thời điểm này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 30 "điểm đen". Thời gian ùn tắc tại các điểm trong khung giờ cao điểm cũng không quá dài như trước. Có thể khẳng định, đây là những thành tựu rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV tại Đại hội đại biểu lần thứ XVI trong phần phương hướng, nhiệm vụ và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm 2015-2020 đã xác định "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn" là một trong 3 khâu đột phá. Cá nhân tôi cho rằng, có thể thấy mục tiêu của giai đoạn sắp tới cao hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước. Nếu như trước đây các cơ quan liên quan mới chỉ đề cập đến việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung nhằm giải quyết bài toán giao thông đô thị thì nay đã nhấn mạnh, rõ ràng hơn mục tiêu đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Trong đó ưu tiên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông công cộng với các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Cùng với đó là dự án phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT. Đây đều là các loại hình giao thông công cộng hiện đại, rất phổ biến ở các quốc gia tiên tiến. Ai cũng hiểu, một trong những "điểm nhấn" của một đô thị văn minh chính là nằm ở mạng lưới giao thông công cộng. Không thể nói Thủ đô đã văn minh, hiện đại khi hệ thống giao thông công cộng vẫn chủ yếu trông chờ vào những chiếc xe buýt kềnh càng; người dân di chuyển chủ yếu bằng mô tô, xe máy. Vì thế, việc sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, BRT có ý nghĩa hết sức to lớn. Khi đưa vào khai thác, các dự án này sẽ góp phần quan trọng giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô được thuận lợi, an toàn. Cũng trong giai đoạn sắp tới, việc thành phố quan tâm đầu tư, tập trung hoàn thành các tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Giảng Võ), Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy) và Vành đai 2 trên cao (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở), xây dựng hàng loạt bãi đỗ xe (ngầm, nổi) cũng là hướng đi phù hợp nhằm khớp nối đồng bộ, xuyên suốt hệ thống đường bộ cũng như giải quyết bài toán giao thông tĩnh của Thủ đô… Công việc còn rất bộn bề, nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cơ chế chính sách và công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đề nghị dự thảo cần chi tiết hơn nữa về lộ trình triển khai; các giải pháp huy động nguồn vốn cũng như các cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Cần xác định rõ lộ trình thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.