Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi HIV - Thách thức lớn

Bài, ảnh: Tuệ Diễm| 09/12/2016 07:06

(HNM) - Từ tháng 6-2016, TP Hồ Chí Minh đã được Liên hợp quốc chọn là một trong 32 thành phố trên thế giới thí điểm thực hiện mục tiêu 90-90-90 nhằm đẩy lùi dịch bệnh HIV vào năm 2020. Với đặc thù đô thị đông dân, số người có HIV cao, đây là một thách thức lớn.

Cộng đồng cùng chung tay chống phân biệt kỳ thị trong lễ trao thưởng "Dải băng đỏ" tại TP Hồ Chí Minh.



Gian nan kinh phí

Với mục tiêu 90-90-90 do Liên hợp quốc (LHQ) đề ra, tới năm 2020, TP Hồ Chí Minh phải hoàn thành việc 90% số người có HIV được biết tình trạng của mình; 90% người chẩn đoán được điều trị thuốc ARV; 90% số người điều trị ARV kiểm soát được vi rút ở mức ổn định.

Việc được LHQ quan tâm, theo dõi chương trình phòng ngừa dịch bệnh HIV là một thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh, nhưng lại đặt ra thách thức lớn cho Ngành Y tế dự phòng của thành phố. Bởi, từ năm 2017, các nguồn viện trợ nước ngoài cho người có HIV ở Việt Nam sẽ bị cắt giảm. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam nhận được khoảng 420 tỷ đồng thuốc điều trị ARV, một khi nguồn viện trợ cắt đi thì người có HIV sẽ rơi vào cảnh khó khăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện liên quan khảo sát đánh giá bệnh nhân đang điều trị HIV - AIDS trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ bị cắt giảm. Theo đó, hiện thành phố có gần 50.000 người có HIV được phát hiện, nhưng chỉ có gần 28.000 được điều trị ARV. Với sự cắt giảm hỗ trợ, người bệnh phải chi trả bình quân 17.000 đồng/ngày. Đây là một số tiền khá lớn đối với người có HIV, vì đa phần là người nghèo, không có công việc ổn định, sống lang thang.

Cản trở về nhân lực và sự kỳ thị

Để tập trung phát hiện 90% người có HIV và điều trị cho 90% người có HIV không phải là vấn đề đơn giản, ngoài kinh phí, thành phố còn phải chuẩn bị nhân lực y tế dự phòng, trong khi TP Hồ Chí Minh thiếu hụt bác sĩ điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Chưa hết, theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện nay toàn thành phố có 50% người có HIV có BHYT. Trong buổi lễ trao giải “Dải băng đỏ” - tôn vinh những người hành động vì cộng đồng người có HIV/AIDS, anh N.T.L, một người có HIV tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Em thực sự lo lắng vì hiện việc mua BHYT đối với người có HIV vẫn quá khó khăn. Khi em lên phường trình bày nguyện vọng muốn mua BHYT thì người ta đòi hỏi phải mua BHYT theo hộ gia đình. Đến bao giờ người có HIV mới được cấp BHYT miễn phí?”.

Trong khi đó, số người có thẻ lại ngại sử dụng BHYT do tâm lý lo sợ bị lộ bí mật cá nhân và hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Trước đây, người có HIV được điều trị trong khu riêng biệt, thông tin người bệnh được bảo mật hoàn toàn. Nhưng các trung tâm điều trị này đang quá tải, do số người bệnh đến điều trị quá nhiều, không chỉ người trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà còn cả các tỉnh lân cận. Sau đó TP Hồ Chí Minh quyết định mở 24 phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế dự phòng các quận, nhưng ở đây không có chức năng khám chữa bệnh. Sau đó được thí điểm khám điều trị HIV cho bệnh nhân bằng BHYT tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 và quận Thủ Đức nhưng chưa thu hút được người bệnh.

“Để đạt được mục tiêu 90-90-90, chúng tôi cần có sự tham gia của toàn xã hội trong việc tuyên truyền cho nhóm người nguy cơ chủ động đến cơ sở xét nghiệm cũng như đẩy mạnh các hoạt động chống kỳ thị người có HIV”, ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi HIV - Thách thức lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.