Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho tương lai

Quỳnh Anh| 22/11/2020 06:04

(HNM) - Thời gian qua, các cơ quan quản lý, đơn vị nghệ thuật đã có nhiều chính sách, hoạt động để thu hút lớp trẻ, tạo nguồn nhân lực tiếp nối, kế thừa và phát triển nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, ca kịch...). Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các cuộc tranh tài nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ.

Nhìn vào các cuộc thi tài năng nghệ thuật truyền thống quy mô quốc gia tổ chức từ tháng 9-2020 đến nay có thể thấy, nghệ thuật truyền thống vẫn có sức hút rất lớn. Minh chứng là hơn 800 nghệ sĩ, diễn viên - đa phần đều dưới 35 tuổi - đã tham gia thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn tuồng và dân ca kịch, nghệ thuật chèo... Đáng mừng hơn, qua các cuộc thi đã có những tài năng được phát hiện, tôn vinh. Ở nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã xuất hiện lớp nghệ sĩ trẻ đam mê, giỏi nghề, lại năng động, sáng tạo. Đây là những tín hiệu tích cực để nghệ thuật truyền thống vươn cao trong thời gian tới.

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn làm được điều này, việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng các tài năng trẻ, tạo điều kiện cho họ phát huy sự đam mê và cống hiến là hết sức cần thiết bởi đây chính là những nhân tố “giữ lửa”, quyết định sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật truyền thống.

Theo đó, các cơ quan chức năng, đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; có chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút, giữ chân nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống; tạo môi trường thuận lợi cho nghệ sĩ hoạt động và hấp dẫn thêm những người có năng khiếu nghệ thuật. Bên cạnh đó là tạo được lớp khán giả yêu nghệ thuật truyền thống thông qua việc đưa các môn nghệ thuật này đến với học sinh ngay từ bậc tiểu học và cần phổ cập, giới thiệu rộng trong xã hội. Bởi, khán giả chính là động lực để diễn viên cống hiến và tạo sức sống cho nghệ thuật truyền thống.

Một việc làm quan trọng nữa là các nhà quản lý văn hóa cần có những chính sách, kế hoạch dài hơi và đột phá mới trong việc tạo nguồn lực cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng, tạo điều kiện thuận lợi cho những "mầm non" năng khiếu nghệ thuật phát triển; đồng thời tiếp tục tổ chức hiệu quả các cuộc thi, liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp… nhằm giúp lực lượng nghệ sĩ trẻ có dịp cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi từ thực tiễn. Với những tài năng trẻ đoạt giải cao từ các cuộc thi, cơ quan chức năng cũng cần tham mưu, xây dựng cơ chế đãi ngộ tương xứng để họ có thêm động lực cống hiến, dấn thân với nghề.

Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, cũng mong những nghệ sĩ trẻ luôn nuôi dưỡng đam mê, không nên sớm thỏa mãn, tự bằng lòng với những gì đã đạt được, không ngừng rèn luyện, trau dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để tăng tính chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn riêng của bản thân.

Nghệ thuật truyền thống ẩn chứa nhiều tiềm năng và giá trị tốt đẹp, vì vậy để có thể truyền mãi đến muôn đời sau, việc bảo tồn, phát triển là hết sức quan trọng. Do đó, đầu tư cho lớp nghệ sĩ trẻ - người “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống, cũng là đầu tư cho tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.