Văn nghệ

Nỗ lực “làm mới” nghệ thuật truyền thống Sáng tạo nhưng không làm mất bản sắc

Thu Trang ghi 31/08/2024 13:04

Những năm gần đây, nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống và các nhạc sĩ, ca sĩ đã mạnh dạn sáng tạo, tìm tòi những cách thức thể hiện độc đáo để “làm mới” nghệ thuật truyền thống.

Những sáng tạo ấy bước đầu đã được công chúng, nhất là người trẻ hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự “làm mới” nghệ thuật truyền thống có làm mất đi tính “truyền thống” hay không? Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo nhà hát, nhạc sĩ về vấn đề này.

NSND Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam:
Không thể khư khư giữ cái cũ khi cuộc sống đang biến đổi từng ngày

yk-le-tuan-cuong.jpg

Thời gian qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, kế thừa đồng thời đưa các yếu tố mới vào các chương trình biểu diễn để thu hút khán giả. Trong các vở diễn, chúng tôi không diễn theo lối ngày xưa mà đã có nhiều thay đổi về thời lượng và hình thức thể hiện. Ví dụ, thời lượng vở “Quan Âm Thị Kính” không còn là 3,5 giờ như trước mà chỉ còn hơn 2 giờ. Chúng tôi bảo tồn chất liệu, lớp trò, nhân vật, cấu trúc kịch bản, làn điệu... nhưng lối diễn, tiết tấu được đẩy lên. Từ sự thay đổi này, không chỉ vở “Quan Âm Thị Kính” mà các vở diễn khác của Nhà hát gần đây luôn có đông khán giả đến xem. Họ thích thú, tò mò với cách làm của chúng tôi. Gần đây, trong các tiết mục rap, tôi cũng thấy có nghệ sĩ đưa chèo vào biểu diễn mà ngay cả chúng tôi - những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này nghe cũng rất “vào”, uyển chuyển, tinh tế, gần gũi và tôi tin khán giả cũng có chung cảm nhận như vậy. Nói như vậy có nghĩa, nghệ thuật chèo giờ không chỉ đứng một mình mà đã có thể kết hợp cùng các loại hình nghệ thuật hiện đại khác để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật khiến khán giả rung động.

Theo tôi, đối với nghệ thuật chèo hay các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khác, việc gìn giữ, bảo tồn là rất quan trọng, nhưng để chèo bắt kịp với xu thế hiện đại cũng là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Chúng tôi không thể khư khư giữ cái cũ trong khi cuộc sống bên ngoài đã và đang biến đổi từng ngày. Chèo không thể được bảo tồn, phát triển nếu như sân khấu chèo không có khán giả. Việc làm chèo theo cách mới không làm mất tính truyền thống, bởi truyền thống và hiện đại luôn phải hòa quyện cùng nhau để hướng tới mục đích cao nhất là phục vụ khán giả. Khán giả sẽ là vị giám khảo công tâm, khách quan nhất, và chỉ cần nhìn vào những đêm diễn chật kín khán giả cũng đủ để khẳng định rằng chúng tôi đang đi đúng hướng.

NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long:
Bảo tồn và phát triển phải giữ được những điểm cốt lõi

yk-thanh-hien.jpg

Có vị trí đắc địa nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm và gắn với thương hiệu “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”, nhiều năm qua Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn cố gắng giữ nét đặc trưng của múa rối truyền thống. Các nghệ sĩ cũng thường xuyên tìm đến phường rối ở các địa phương để khai thác chất liệu dân gian, tìm hiểu xem họ có tích trò gì còn lưu giữ mà chưa được khai thác... Theo tôi, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối là phải giữ được những nét đặc sắc nhất, những điểm cốt lõi tạo nên nền móng, gốc rễ của loại hình này. Truyền thống chính là mảnh đất thuận lợi để phát triển, bằng chứng là khán giả đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long ngày một đông.

Bên cạnh đó, Nhà hát có thêm nhiều chương trình để phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau. Như dịp Quốc tế Thiếu nhi vừa qua, Nhà hát đã xây dựng 3 chương trình nghệ thuật đặc biệt để biểu diễn phục vụ khán giả thiếu nhi với những thông điệp giáo dục vô cùng ý nghĩa. Những thông điệp ấy mang hơi thở của cuộc sống đương đại, gần gũi với suy nghĩ, cảm xúc của các em. Qua sự cải tiến về nội dung này, chúng tôi hy vọng múa rối không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà được nâng lên thành những giá trị nhân văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc, đọng lại trong lòng khán giả nhiều dư vị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện để các đạo diễn, họa sĩ, nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, đổi mới về kỹ thuật điều khiển con rối, tạo hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng, các kỹ thuật, kỹ xảo, dàn dựng các tiết mục kết hợp giữa rối nước và rối cạn… nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho nghệ thuật múa rối nói chung. Tất nhiên, trong quá trình sáng tạo đó, chúng tôi rất thận trọng, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng để không “phá hỏng” nghệ thuật truyền thống.

Nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương VBK:
Tôn trọng, bảo vệ bản sắc của nhạc truyền thống

yk-the-phuong.jpg

“Làm mới” nhạc truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, mà còn giúp nhạc truyền thống tiếp cận, thu hút thế hệ trẻ, mở rộng đối tượng khán giả. Việc kết hợp các yếu tố hiện đại với truyền thống làm cho âm nhạc truyền thống trở nên sống động, dễ tiếp cận hơn, từ đó có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay. Một trong những khó khăn lớn nhất của công việc này là cân bằng giữa việc giữ gìn bản sắc và sáng tạo yếu tố mới. Sự thay đổi quá lớn có thể làm mất đi giá trị cốt lõi của âm nhạc truyền thống, trong khi nếu không thay đổi đủ nhiều thì lại không thu hút được khán giả trẻ. Ngoài ra, sự đón nhận của khán giả cũng là một vấn đề lớn, vì không phải ai cũng sẵn lòng tiếp nhận những cái mới.

Tôi nghĩ, muốn thành công trong việc làm mới âm nhạc truyền thống thì cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các yếu tố truyền thống để từ đó xác định những giá trị cốt lõi không thể thay đổi. Việc làm mới cần phải dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết sâu sắc về truyền thống; quá trình sáng tạo nên đi kèm với việc tham khảo ý kiến từ những người am hiểu và có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, để khán giả hiểu và đón nhận những sáng tạo mới, cần có cách giáo dục âm nhạc hiệu quả trong nhà trường, các hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng, truyền thông hiệu quả về các giá trị mà nghệ sĩ muốn truyền tải.

Điều cốt yếu trong việc làm mới nhạc truyền thống là bất cứ một làn điệu âm nhạc hay một di sản nghệ thuật nào cũng đều có 2 phần: Giá trị tinh thần cốt lõi và hình thức trình bày. Dù có sáng tạo, thay đổi đến đâu thì giá trị văn hóa, tâm hồn và bản sắc của âm nhạc truyền thống phải luôn được tôn trọng, bảo vệ; thứ có thể làm mới và thay đổi là hình thức trình bày gần gũi hơn với thế hệ trẻ để âm nhạc được lan tỏa. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để âm nhạc truyền thống có thể trường tồn cùng thời gian, giữ được sự kết nối với các thế hệ sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực “làm mới” nghệ thuật truyền thống Sáng tạo nhưng không làm mất bản sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.