Công nghiệp văn hóa

"Nuôi dưỡng" nghệ thuật truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa

Hoàng Quyên 25/11/2023 - 19:48

Chiều 25-11, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, diễn ra tọa đàm “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và việc phát triển Công nghiệp văn hóa ở Hà Nội”.

1_190440-1(1).jpg
Nghệ thuật hát múa Ải Lao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (ảnh internet).

Tọa đàm do Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Tọa đàm có sự tham gia của một số nghệ nhân, nghệ sĩ, các đơn vị tổ chức trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật biểu diễn văn hóa dân gian tại Hà Nội.

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, đến từ phường múa Ải Lao (quận Long Biên), nghệ thuật hát múa Ải Lao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Di sản hát múa Ải Lao gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân. Trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng (diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng 4 âm lịch hằng năm), phường Ải Lao tham gia thực hành một số nghi lễ quan trọng ở đền Thượng, đền Mẫu và Miếu Ban.

385541691_883612966452214_165849226370981067_n.jpg
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, quản lý đơn vị biểu diễn tham gia tọa đàm. Ảnh: Hoàng Quyên

Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh, loại hình biểu diễn dân gian này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển, đặc biệt là truyền dạy cho thế hệ sau. Việc phát triển di sản này cần sự quan tâm hơn nữa để có cơ hội quảng bá, phát triển.

Chia sẻ về cách thức giữ gìn, phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống, nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng cho biết, Hà Nội là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật rối nước. Thành phố có 5 phường rối nước là: Đào Thục (Đông Anh), Bình Phú, Chàng Sơn, làng Yên (Thạch Thất) và Tế Tiêu (Mỹ Đức). Nghệ thuật múa rối nước được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nhiều đoàn rối nước đã lưu diễn nước ngoài.

“Việc quảng bá có ý nghĩa rất quan trọng để nghệ thuật truyền thống được lan tỏa tới công chúng, từ đó nuôi dưỡng tài năng để phát triển. Hiện nay, giới trẻ tham gia quảng bá rất tích cực. Hình ảnh rối nước được vẽ trên áo dài, túi xách… tạo hiệu ứng quảng bá rất tốt”, nghệ sĩ Chu Lượng bày tỏ.

Là một trong những người trẻ đang có thành công riêng trong việc đưa nghệ thuật truyền thống vào đời sống biểu diễn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Nguyễn Lệ Quyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo dựng các chương trình "có doanh thu". Cô cho rằng, các sân khấu biểu diễn nên định vị lại đối tượng công chúng, từ đó có chiến lược quảng bá, xây dựng chương trình phù hợp. Ngoài ra, việc truyền dạy cần mang tính khơi gợi, kích thích sáng tạo.

Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: Thành phố Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể, coi đây là nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp Văn hóa. Hiện nay, nhiều chính sách cho các nghệ nhân đã được thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương thành lập câu lạc bộ nghệ nhân để các loại hình biểu diễn dân gian được bảo tồn, phát triển tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nuôi dưỡng" nghệ thuật truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.