Văn hóa

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: “Thắp lửa” tình yêu từ người trẻ

An Nhi 07/04/2024 - 08:03

Gần đây, có thêm các dự án bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật truyền thống do những người trẻ thực hiện, tạo hiệu quả cao, thu hút nhiều đối tượng khán giả tham gia. Bằng sự sáng tạo và nhiệt huyết, các bạn trẻ đang "thắp lửa" tình yêu và ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống trong đời sống hôm nay.

su-kien-tuong-ke-do-nhom-si.jpg
Sự kiện “Tuồng kể” do nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khởi xướng kết hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.

Những “ngọn lửa” say mê nghệ thuật

Sau nỗ lực đưa nghệ thuật hát xẩm và nghệ thuật truyền thống lan tỏa trên các sân khấu lớn trong nước, quốc tế và trên không gian mạng, từ năm 2024, ca sĩ trẻ người Mường Nguyễn Ngọc Hà (Hà Myo) tiếp tục thực hiện dự án mang nghệ thuật hát xẩm của dân tộc đến hơn 20 trường học, tiếp cận với các bạn trẻ. Liên tục trong tháng 3, tháng 4 năm nay, nữ ca sĩ đã có những buổi biểu diễn ghi dấu ấn tại nhiều trường trung học phổ thông của Hà Nội như: Khương Đình, Hoài Đức A, Thăng Long, Xuân Đỉnh… Sân khấu không chuyên nghiệp, nhưng những bài xẩm kết hợp nhạc điện tử như “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm thập ân: Công cha ngãi mẹ sinh thành”… của Hà Myo vang lên trong không gian trường học đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo học sinh. Hành trình ý nghĩa này của Hà Myo sẽ còn tiếp tục nối dài…

Trước đó, dự án “Tuồng kể” do các sinh viên yêu nghệ thuật truyền thống của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khởi xướng kết hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện đã thành công trong việc quảng bá bộ môn nghệ thuật này đến đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Rạp Hồng Hà (Hà Nội), khi sự kiện "Tuồng kể" diễn ra đã không còn chỗ trống. Trải nghiệm chương trình, sinh viên Nguyễn Nhật Anh (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Sự kiện “Tuồng kể” đã đưa tôi đến với tuồng, được trải nghiệm những tiết mục biểu diễn chân thực và khiến bản thân thấy yêu thích nghệ thuật tuồng”.

Từ dự án "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" hình thành gần 10 năm trước, các thành viên trẻ của dự án đã phát triển và tổ chức nhiều hoạt động đưa nghệ thuật truyền thống lan tỏa trong cộng đồng rất hấp dẫn. Có thể kể đến như chương trình "Quan họ 48h" với việc tổ chức các lớp tìm hiểu, tập luyện và thực hành hát quan họ dành cho các bạn trẻ được tổ chức sôi nổi suốt thời gian qua. Chương trình "Xẩm 48h" với các show diễn đậm chất truyền thống tại khu vực phố cổ hay trên các tuyến xe buýt hai tầng City Tour Hà Nội đặc sắc... Ngoài ra, còn nhiều nhóm bạn trẻ đang quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam như XplusX Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam… cũng đang nối dài các hoạt động lan tỏa nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng…

Cầu nối lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Chia sẻ về ý tưởng và nỗ lực thực hiện dự án đưa nghệ thuật xẩm vào trường học, ca sĩ Hà Myo cho rằng, hiện nay, khi các hình thức nghệ thuật, giải trí dễ dàng tiếp cận công chúng mọi lúc, mọi nơi thì không thể chờ khán giả đến với sân khấu, nhất là với nghệ thuật truyền thống, mà phải chủ động tìm đến khán giả.

“Tôi chọn các trường học, nơi có nhiều bạn trẻ, với sự năng động và làm chủ công nghệ, họ sẽ là những sứ giả nhiệt tình nhất để lan tỏa hát xẩm, nghệ thuật truyền thống đến mọi người”, ca sĩ Hà Myo cho hay. Qua những chương trình vừa qua, nữ ca sĩ cũng bày tỏ vui mừng vì khán giả trẻ tại các trường học đều nhiệt tình hưởng ứng các bài xẩm. Nhiều video về những phần biểu diễn được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trở thành những sản phẩm dẫn dắt xu hướng.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đào Thị Ngọc Mai, Trưởng ban Tổ chức sự kiện “Tuồng kể” chia sẻ, qua chương trình này, chính những người tổ chức cũng hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật truyền thống, đồng thời chứng kiến sự thay đổi suy nghĩ của các bạn trẻ về nghệ thuật tuồng giàu giá trị và hấp dẫn. Thực tế, có rất nhiều bình luận trên mạng xã hội gửi đến Ban tổ chức hỏi về các dự án, sự kiện nghệ thuật tiếp theo để được tham gia.

Ở góc độ người hoạt động nghệ thuật truyền thống, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Tạ Văn Sốp bày tỏ, việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống hiện nay cần sự chung tay của cả cộng đồng. Qua sự phối hợp trong các dự án nghệ thuật, ông Tạ Văn Sốp nhận định, các bạn trẻ rất tâm huyết và có trách nhiệm với vốn quý của cha ông, đồng thời có nhiều ý tưởng sáng tạo. Chính các bạn trẻ là cầu nối, thuyết phục những người cùng trang lứa đến với tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung một cách dễ dàng và hiệu quả.

Từ những nỗ lực “thắp lửa” của nhiều người trẻ qua các dự án nghệ thuật sáng tạo và nhiệt huyết, hy vọng tình yêu, sự say mê với nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục được thắp lên, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, mở ra những hướng mới trong bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: “Thắp lửa” tình yêu từ người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.