Văn nghệ

Nỗ lực “làm mới” nghệ thuật truyền thống: Xu hướng tất yếu trong thời 4.0

Quỳnh Dương 31/08/2024 16:05

Những năm gần đây, “làm mới” được coi là một phương pháp hiệu quả để phát huy giá trị và gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, những chương trình biểu diễn với ý tưởng sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống đã thu hút nhiều người trẻ.

Tại Trung Quốc, nhờ sự đổi mới, số lượng khán giả trẻ đi xem các buổi diễn Kinh kịch, âm nhạc dân gian gia tăng thực sự ấn tượng.

nt3.jpg
Vở diễn Kinh kịch “Lướt trên thủy triều” nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn.

Đầu tháng 8-2024, nhạc sĩ Trung Quốc Mã Cửu Việt đã thực hiện buổi hòa nhạc ấn tượng tại Nhà hát Poly Bắc Kinh. Đây là một trong những buổi biểu diễn âm nhạc lớn trong khuôn khổ Lễ hội nhạc nhẹ quốc tế Bắc Kinh bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến cuối năm.

Điều đáng nói, nhạc sĩ Mã Cửu Việt là một trong những người sáng lập ra dòng nhạc dân gian Trung Quốc mới. Những tác phẩm của ông giới thiệu trong “bữa tiệc âm nhạc” này được đánh giá cao bởi sự kết hợp phong phú giữa các yếu tố văn hóa truyền thống Trung Quốc, được làm mới bởi phong cách đương đại. Buổi hòa nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ Phương Kim Long, một nhạc sĩ dân gian nổi tiếng Trung Quốc, người đã khôi phục và cải tiến thành công cây đàn tì bà 5 dây thời nhà Đường, vốn thất lạc từ lâu. Hai nhạc sĩ đều đang theo đuổi những dự án “thổi hơi thở đương đại” vào nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Theo nhạc sĩ Mã Cửu Việt, nhiều tác phẩm âm nhạc khác nhau có thể lấy ý tưởng từ các dòng nhạc dân gian để đổi mới nền tảng âm nhạc truyền thống. Do đó, ông không ngại sử dụng các nhạc cụ truyền thống để chơi những giai điệu đại diện cho tiếng nói của Trung Quốc hiện đại.

Không chỉ âm nhạc dân gian, kinh kịch - một trong những tinh hoa nghệ thuật của Trung Quốc - cũng đang được làm mới. Một trong những vở diễn nhận được sự đánh giá cao gần đây là tác phẩm “Lướt trên thủy triều”, do Học viện Sân khấu Thượng Hải thực hiện. Chuyện kịch xoay quanh công việc của các kỹ sư và công nhân tại bến cảng thời nay, được thể hiện bằng nghệ thuật Kinh kịch. Vở kịch ra mắt vào tháng 4-2023, với tựa đề “Cảng lớn phương Đông”, gây tiếng vang lớn và được vinh danh là tác phẩm xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật Kinh kịch Trung Quốc lần thứ 10. Sau đó, các nghệ sĩ tiếp tục cải tiến vở kịch, cách diễn xuất và ca hát để biểu diễn liên tục tới năm nay.

Cựu Tổng Thư ký Hiệp hội Sân khấu Trung Quốc Thôi Vỹ cho biết: "Khi xem phiên bản hoàn thiện của vở kịch trong năm nay, tôi tin rằng vở kịch này đã đạt được sự kết hợp mang tính tiên phong giữa Kinh kịch - môn nghệ thuật truyền thống, và chủ đề công nghiệp hiện đại. Trong lĩnh vực Kinh kịch, rất khó để tạo ra bước đột phá như vậy”.

Được coi là "quốc kịch", tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhiều yếu tố của nghệ thuật Kinh kịch đã trở thành biểu tượng, thấm sâu vào đời sống xã hội. Việc bảo tồn và phát huy giá trị Kinh kịch được coi là phương thức quan trọng để kế thừa và giáo dục văn hóa truyền thống trong xã hội Trung Quốc đương đại. Những năm gần đây, để Kinh kịch "sống" được trong đời sống nghệ thuật đương đại, cơ quan quản lý văn hóa và giới nghệ thuật ở Trung Quốc đã có nhiều tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, như đưa Kinh kịch vào học đường, nên ngày càng có nhiều công chúng trẻ hiểu được Kinh kịch, từ đó đưa môn nghệ thuật đến gần hơn với người dân. Không chỉ sáng tác, dàn dựng các tác phẩm Kinh kịch mới mang hơi thở của thời đại, nhiều người trẻ ở Trung Quốc đã đầu tư công sức vào việc khai thác các giá trị riêng biệt của Kinh kịch để xây dựng những thương hiệu văn hóa. Việc đổi mới trang trí sân khấu cũng được coi là khâu quan trọng giúp tăng sức hút của Kinh kịch.

Theo Giáo sư, nghệ sĩ Kinh kịch Trương Nghiêu thuộc Học viện Hý kịch Trung Quốc, đối tượng cần hướng tới trong quảng bá, lan tỏa giá trị các loại kịch truyền thống chính là giới trẻ. Họ không hề từ chối văn hóa truyền thống, nhưng điều quan trọng là phải tạo ra các nền tảng, kênh kết nối giữa thanh niên, sinh viên, trí thức với Kinh kịch, để họ am hiểu, yêu thích và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Thông qua những hướng đi sáng tạo đó, đông đảo người trẻ đã tìm đến với Kinh kịch, tỉ lệ lấp đầy sân khấu lên đến 80% với tuổi đời khán giả bình quân chưa tới 25. Không chỉ vậy, các vở diễn Kinh kịch còn vươn ra thế giới, có mặt ở nhiều trung tâm nghệ thuật lớn...

Khác với trước đây, công chúng hiện nay có nhiều điều kiện tiếp cận với văn hóa - nghệ thuật, cùng với đó là những tiêu chuẩn được nâng cao hơn, khắt khe hơn và rõ tính đặc thù hơn. Bởi vậy, làm mới phương cách biểu diễn là điều tất yếu để nghệ thuật truyền thống không bị tụt lại trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, khi nhiều nước trên thế giới đang biến văn hóa thành một nền công nghiệp mang lại nhiều lợi ích quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực “làm mới” nghệ thuật truyền thống: Xu hướng tất yếu trong thời 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.