Mặc dù, Huyện ủy Đan Phượng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song tiến độ vẫn chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó còn tình trạng gây phiền hà cho người dân… Trước thực tế này, Đan Phượng đang quyết liệt gỡ khó, đồng thời công khai cụ thể thủ tục hành chính về đất đai.
Muôn kiểu khó khăn
UBND huyện Đan Phượng cho biết, tổng nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) trên địa bàn hiện khá lớn. Cụ thể, đối với đất ở và đất nông nghiệp trước năm 2021 là 10.687 thửa. Tổng số giấy chứng nhận đã cấp từ năm 2021 đến nay mới được 194 thửa, chỉ đạt 1,82% nhu cầu; trong đó, riêng năm 2023 cấp được 77 giấy chứng nhận.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, từ đầu năm tới nay, nhiều hồ sơ về đất đai của công dân trên địa bàn thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) sau khi nộp vào bộ phận “một cửa” của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Đan Phượng đã bị trả lại với muôn vàn lý do khác nhau.
Đơn cử: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quế có thửa đất số 68, tờ bản đồ số 35, diện tích 83,4m2, sau khi thẩm định, diện tích thực tế là 82m2. Hộ ông Nguyễn Trung Hiếu có thửa đất số 9, tờ bản đồ số 28, diện tích 78,08m2 cũng phải xuất trình nhiều giấy tờ liên quan do thửa đất tăng 5,82m2… Bà Trần Thị Luân ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) chia sẻ, trên địa bàn xã tồn hơn 300 thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thời kỳ 1986-1988.
Người dân mong muốn được cấp đổi giấy chứng nhận nhưng Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Đan Phượng chưa tiếp nhận giải quyết hồ sơ; việc hướng dẫn thủ tục chưa thỏa đáng...
Không chỉ đối với đất ở, việc cấp lại, cấp đổi, hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) Đỗ Văn Đang, thời gian qua, xã vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, cam kết đẩy nhanh tiến độ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng đến nay chưa hoàn thành, khiến cán bộ cơ sở chịu áp lực lớn. Việc vận động nhân dân thực hiện các chính sách liên quan đến đất đai cũng còn nhiều khó khăn...
Ngoài ra, việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) đã kết thúc, nhưng khi địa phương thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thì phát hiện giấy chứng nhận của một số hộ dân sai sót về vị trí, hiện trạng sử dụng đất. Điển hình, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) có 7 trường hợp tại xứ đồng Tế Tự bị cấp sai vị trí thửa đất. Các hộ dân đề nghị các cấp giải quyết, cấp lại giấy chứng nhận, song đã qua nhiều tháng vẫn chưa hoàn thành...
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Về nguyên nhân của tình trạng trên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Quý Mạnh lý giải, hồ sơ lưu giữ tại xã, thị trấn không đầy đủ, thiếu thành phần... nên không có cơ sở tra cứu dữ liệu, xác định nguồn gốc. Việc giao đất nông nghiệp 5%, 10% xen kẹt dẫn đến nhiều vi phạm, như tự ý chuyển mục đích sử dụng, khó xác định loại đất để cấp giấy chứng nhận.
Đặc biệt đối với đất ở, nhiều trường hợp vượt hạn mức sử dụng, người dân không đồng ý cấp theo hạn mức. Còn có thực trạng giao đất không đúng thẩm quyền, không có giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính, người dân không đồng ý nộp tiền sử dụng đất; diện tích thửa đất biến động qua các thời kỳ… Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các hồ sơ biến động và việc cấp giấy chứng nhận đối với những thửa đất lớn trên 400m2 phải kiểm tra hồ sơ cấp lần đầu, xác định lại hạn mức đất ở tại thời điểm cấp... Quy định này dẫn tới công tác giải quyết đăng ký biến động bị khó khăn, chậm, muộn.
Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng tồn lượng lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được cấp từ các năm 1986-1988. Khi người dân muốn thực hiện thủ tục hành chính liên quan, gặp vướng mắc do Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng việc cấp đổi, đăng ký biến động với giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất trước năm 1993.
Trước những vướng mắc từ cơ sở, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho rằng, đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký biến động khác cần có sự tăng cường phối hợp, hỗ trợ thủ tục theo hướng dễ thực hiện nhất để cả người dân và cán bộ chuyên môn thuận lợi trong thực hiện chức trách. Đối với trường hợp tăng - giảm diện tích so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ hoặc hồ sơ địa chính cũ, cần có biên bản xác nhận rõ nguyên nhân...
Nếu hiện trạng không tranh chấp thì cấp đổi cho người dân nhằm đơn giản hóa thủ tục. Đối với trường hợp trùng số trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Đan Phượng cần hiệu đính bằng văn bản về sự sai sót hành chính qua các thời kỳ, đồng thời tiến hành thủ tục tiếp theo, không đùn đẩy trách nhiệm.
Quy trình, thủ tục đều có quy định cụ thể về thời gian thực hiện; chính quyền địa phương, đơn vị liên quan phải nghiêm túc thực hiện. Các thông báo trả lời công dân về thủ tục đất đai cần dẫn chứng cụ thể kèm hướng dẫn để người dân, cơ quan liên quan dễ thực hiện.
Về vấn đề này, theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật để người dân nhận thức đúng về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cần rà soát số liệu, tiến hành phân loại, làm rõ trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận để giải quyết, có lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.