Bất động sản

Chỉ thông qua khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khả thi

Đình Hiệp 03/11/2023 18:27

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường chiều 3-11, nhiều đại biểu cho rằng, cần có định mức cụ thể đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; đồng thời, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng.

toan-canh-3.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường, chiều 3-11.

Nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Khoản 7, Điều 45), nhiều ý kiến đề nghị, cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

dai-bieu-3.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường, chiều 3-11.

Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án: Phương án 1 là phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp. Phương án 2 là không giới hạn về điều kiện; Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP. Phương án 3 là phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại Khoản 1, Điều 177.

nguyen-van-huy.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) phát biểu.

Góp ý về nội dung tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tập trung quy mô lớn, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho biết, lựa chọn phương án 3.

“Phương án này vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, mặt khác vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TƯ”, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.

Về tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, Khoản 6, Điều 45 dự thảo Luật quy định tổ chức phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Trong phương án, phải thể hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đại biểu đề nghị bỏ điều kiện có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận, đồng thời sửa thành “phải có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư”; quy định rõ thủ tục này được thực hiện đồng thời với thủ tục phê duyệt chủ trương dự án đầu tư.

dang-thi-bao-trinh.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Góp ý về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Điều 45, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) chọn phương án 2. Đại biểu lý giải, hiện nay, nhiều hộ gia đình có đất trồng nông nghiệp là đất lúa dù không trực tiếp sản xuất nhưng vẫn thuê mướn người để canh tác, sản xuất.

Việc bắt buộc trong mọi trường hợp, bất kể quy mô đất trồng lúa, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh quy định theo hướng người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích, tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

ta-van-ha.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị quy định cụ thể định mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Thống nhất đề nghị chọn phương án trong đó đưa ra những định mức cụ thể, đại biểu dẫn thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông ở các vùng nông thôn, ngoài thời gian dạy học, mức lương có hạn, còn phải canh tác thêm để bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, cần quy định phù hợp với thực tế.

Đề nghị "quy định một giá trong bồi thường"

Về quy định cá nhân không trực tiếp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa theo quy định tại Khoản 7, Điều 45, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) cho rằng, cần lập, tổ chức, có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh quyết định. Có như vậy, mới có nhà đầu tư quy mô lớn, đưa khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí đất đai.

khuong-thi-mai.jpg
Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) phát biểu.

Bên cạnh đó, việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng đất hoặc bồi thường bằng tiền được kế thừa Luật Đất đai năm 2013, việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng đất với đất thu hồi là nội dung mới. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, vì không thống nhất số lượng, khối lượng, đơn giá, khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, giá bồi thường đất, Nhà nước thu hồi đất với giá khác với giá bồi thường của doanh nghiệp. Vì thế, đại biểu đề nghị nên quy định một giá trong bồi thường.

duc-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận; 72 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp.

Các đại biểu cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong kỳ họp này. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

dai-bieu-4.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, chiều 3-11.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp, cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự thảo luật bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ thông qua khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.