(HNM) - Theo xu hướng dịch chuyển sản xuất của dệt may (DM) thế giới, Việt Nam có thể trở thành
Chi phí nhân công dệt may của Việt Nam thấp, tạo sức hút lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Bảo Lâm |
Hiện, Việt Nam đang có gần 100 triệu dân, với khoảng 54 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là con số hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn khai thác thị trường có chi phí lao động vẫn còn ở mức thấp.
Phân tích của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho thấy, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu (XK) sẽ tạo ra việc làm cho 100.000 người trong các DN may mặc và khoảng 50.000 - 100.000 người trong các DN hỗ trợ khác. Kim ngạch XK dệt may Việt Nam đến năm 2020 ước đạt 50 tỷ USD, như vậy ngành Dệt may Việt Nam (DMVN) cần khoảng 3-3,5 triệu lao động. Với 54 triệu người trong độ tuổi lao động, Việt Nam còn nhiều dư địa lao động cho ngành công nghiệp dệt may.
Cùng với đó, chi phí nhân công dệt may của Việt Nam rất cạnh tranh so với nhiều nước có thế mạnh về sản xuất dệt may XK. Cụ thể, chi phí trung bình nhân công dệt may của Việt Nam là 0,6 USD/giờ, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc là 2,1 USD/giờ, Thái Lan là 2,14 USD/giờ, Hàn Quốc là 8,22 USD/giờ và Mỹ là 17,57 USD/giờ. Vì vậy, ngành Dệt may không chỉ thu hút các DN trong nước, mà có sức hút lớn đối với cả các DN đầu tư nước ngoài.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) cho thấy, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản, tuy vẫn đổ nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc, nhưng đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Có 25% nhà đầu tư Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc đến Việt Nam, với lý do quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản rất thân thiện và Việt Nam là thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á cả về sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, khi chi phí nhân công ở Trung Quốc, Thái Lan tăng lên, các công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DMVN phân tích, công nghiệp dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản, phát huy được lợi thế của nước có nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ. Nhờ đó, sản xuất hàng dệt may thường phát triển mạnh và có hiệu quả rất lớn đối với các nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa như nước ta. Nếu hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết có thể thúc đẩy đầu tư vào nguyên liệu dệt may như dự kiến, thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của ngành Dệt may sẽ cùng được nâng cao. Nói cách khác, Việt Nam hoàn toàn có thể được coi là công xưởng, trung tâm sản xuất hàng hóa dệt may lớn của thế giới.
DM hiện là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, mang lại kim ngạch XK lớn trong tốp đầu các sản phẩm Việt Nam XK ra nước ngoài. Đặc biệt, kim ngạch XK DM liên tục tăng trưởng bình quân 21%/năm, đóng góp 15% GDP toàn quốc. Việc Việt Nam ký kết một loạt FTA, nhất là với EU; hay mới đây là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển DM Việt Nam vào hai thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay là Mỹ và Châu Âu.
Ngoài ra, TPP còn giúp Việt Nam hội nhập với 11 nền kinh tế khác thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nền kinh tế hàng đầu như Nhật Bản, Singapore, Australia… Riêng ngành DM, hiện XK khoảng 1.000 dòng sản phẩm vào Hoa Kỳ với thuế suất bình quân 17-18%. Khi TPP có hiệu lực, các dòng thuế này theo lộ trình sẽ giảm về 0%. Theo dự báo của Hiệp hội DMVN, XK DM sang Hoa Kỳ có thể tăng trưởng trung bình 12-13%/năm và đạt 30 tỷ USD trước năm 2025.
Bên cạnh đó, FTA EU - Việt Nam sẽ giúp mức thuế hiện tại mà EU đang áp đối với mặt hàng DM Việt Nam giảm từ 11,6% xuống 0%. Giá trị XK DM Việt Nam vào EU sẽ tăng trưởng trung bình 6%/năm. Cùng với triển vọng từ các FTA khác như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Nga - Belarus - Kazakhstan... DMVN có thể đạt hơn 50 tỷ USD kim ngạch XK trước năm 2020 và trở thành quốc gia có quy mô sản xuất và XK hàng DM lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.