Kinh tế

Ngành dệt may Việt Nam: "Xanh hóa" để chiếm lĩnh thị trường

Lam Giang 30/01/2024 - 06:36

Dù dự báo còn đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2024, song ngành dệt may vẫn kỳ vọng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu này, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung đa dạng hóa khách hàng, thị trường, mặt hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất.

det-may.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Xí nghiệp Veston Hưng Hà (Tổng công ty May 10 - CTCP). Ảnh: Hà Thư

Xuất khẩu tới 104 thị trường

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39,5 tỷ USD, giảm hơn 10% so với năm 2022. Song trong bối cảnh khó khăn chung, kết quả này vẫn đáng ghi nhận.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đánh giá, năm 2023 là năm doanh nghiệp gỡ khó khăn bằng cách đa dạng hóa thị trường cũng như mặt hàng. “Chưa năm nào sản phẩm dệt may xuất khẩu tới 104 thị trường như năm 2023. Sản phẩm xuất khẩu cũng đa dạng hơn với 36 mặt hàng”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… bên cạnh những thị trường mới như châu Phi, Nga, thị trường đạo Hồi… Điều này càng khẳng định vị thế của dệt may Việt Nam trên toàn cầu, góp phần giúp ngành xuất siêu khoảng 17 tỷ USD trong năm 2023.

Như Tổng công ty May 10 - CTCP, ngoài xuất khẩu tới các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm còn có mặt ở các thị trường mới như Australia, Thái Lan, Philippines và Canada, với hệ thống phân phối ở hơn 60 quốc gia.

“Mặc dù sản lượng và doanh thu tại các thị trường mới chưa bù đắp được thiếu hụt của các thị trường truyền thống, song từ đây sẽ tạo đà cho chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới”, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, về tổng thể, bức tranh xuất khẩu dệt may năm 2023 chủ đạo là gam màu xám. Đây là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch giảm gần 10%. Nguyên nhân đến từ muôn vàn khó khăn chưa từng có tiền lệ, như bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng khiến tổng cầu thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, giá đặt hàng dệt may bình quân giảm trên 30%, cá biệt có mặt hàng giảm tới 50%.

Trong khi đó, chi phí nhân công dệt may Việt Nam khá cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng); cao hơn gấp 3 lần, 2 lần và 1,8 lần so với Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia. Cùng với đó là vấn đề tỷ giá gây ra những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt có thể cao hơn 10-15%.

Đa dạng hóa thị trường, khách hàng

Dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới sẽ có sự cải thiện, tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam là một điểm đến an toàn, tạo thuận lợi cho các đơn hàng dệt may có khả năng quay lại. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm sâu, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ được kéo dài trong năm 2024...

Dù vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, năm 2024 vẫn là năm có nhiều thách thức với ngành. Một trong những vấn đề lớn là cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”... sẽ được áp dụng, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng. Bên cạnh đó, căng thẳng trên thế giới đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng, tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đang khá chậm chạp.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2024 vẫn còn nhiều vấn đề ngành dệt may phải đối mặt: Đơn hàng xuất khẩu còn giảm; chuỗi cung ứng vẫn rủi ro, chi phí đầu vào cao; xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh…

Để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng dựa trên kinh nghiệm có được từ năm 2023; đẩy mạnh phát triển bền vững, đáp ứng đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hóa, giảm phát thải nhà kính. Ngành cũng đầu tư công nghệ, tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng được, nhằm thực hiện giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.

Cùng với đó là tập trung quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút đầu tư vào ngành vải, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu. Đồng thời, lấy thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang, ngành sẽ xây dựng giải pháp, chiến lược định hình một số thương hiệu lớn của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu, Tập đoàn tiếp tục tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất xanh, kinh doanh tuần hoàn… Mục tiêu của Tập đoàn là giữ vững vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ khách hàng và thị trường, duy trì việc làm và thu nhập cho 62.000 lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may Việt Nam: "Xanh hóa" để chiếm lĩnh thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.