Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của nước ta sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 15,3%; giày, dép các loại giảm 15,2%; sản phẩm gỗ giảm 33,1%.
Khó khăn chưa từng có
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu, quý IV-2022 và 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may gặp khó khăn chưa từng có.
Kim ngạch xuất khẩu tất cả mặt hàng thuộc ngành đều giảm sâu, trong đó 2 mặt hàng chính là may mặc giảm 13,2%, sơ sợi giảm 20,7%. Xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 17%.
Tuy nhiên, ông Cẩm cũng cho biết, theo từng tháng, tình hình đang có dấu hiệu khá dần lên. Cụ thể, tháng 6 xuất khẩu dệt may đạt 3 tỷ USD, giảm 17,6%; sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, giảm còn 14,7%. Dù vậy, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn với đơn hàng nhỏ giọt và đơn giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm không thuộc sở trường, nhằm duy trì sản xuất, kể cả chấp nhận lỗ để giữ người lao động.
Còn bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành này giảm tới 15% và khó khăn còn kéo dài sang năm 2024. Doanh nghiệp ngành da giày thiếu đơn hàng từ 30-50%, trong đó thị trường Mỹ giảm tới 35%, EU giảm 15%.
Từ thị trường Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho hay, kim ngạch nhóm 10 ngành hàng top đầu xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 37,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm hàng giảm mạnh nhất, lần lượt là đồ gỗ nội thất giảm 30%, đạt 4,1 tỷ USD; giày dép giảm 29%, đạt 3 tỷ USD; quần áo, phụ kiện giảm khoảng 27%, đạt 5,4 tỷ USD.
Còn bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức thông tin, so với 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ, đồ gỗ sang Đức đạt trên 30,4 triệu USD, giảm 57,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 445 triệu USD, giảm 14,8%; kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt khoảng 469,4 triệu USD, giảm 27,7%.
Chuyển hướng các thị trường mới
Các hiệp hội ngành hàng đều đang có thêm những giải pháp để khôi phục xuất khẩu.
Theo bà Phan Thanh Xuân, ngành da giày, túi xách đang gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời đề xuất danh sách các doanh nghiệp cùng mặt hàng tiềm năng để thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kết nối với đối tác.
Ngược lại, thương vụ Việt Nam tại các nước cũng chuyển danh sách các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hàng Việt để doanh nghiệp trong nước tiếp cận.
“Doanh nghiệp cần thông tin thị trường, song cùng với cung cấp thông tin, chúng tôi mong các thương vụ đưa ra giải pháp để bộ, ngành, doanh nghiệp thích ứng kịp thời với chính sách mới hay sự thay đổi của thị trường”, bà Xuân nêu.
Còn ông Trương Văn Cẩm nêu, 85% sản phẩm dệt may được xuất khẩu nên mỗi biến động thị trường đều tác động mạnh tới ngành. Doanh nghiệp do đó rất cần thông tin nhanh về biến động thị trường để ứng phó kịp thời.
Về phía cơ quan thương vụ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston lưu ý, doanh nghiệp nên rà soát lại kế hoạch đầu tư, bao gồm nguyên liệu đầu vào, quy định của các nước xuất khẩu; tìm các thị trường ngách để tiêu thụ sản phẩm và kết nối trực tiếp các kênh phân phối lớn, hiệp hội chuyên sâu.
"Việc quan trọng nữa là doanh nghiệp cần đánh giá, tính toán chi phí logistics, marketing ở mức thấp nhất. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thêm cơ hội tìm được đầu ra cho sản phẩm”, ông Quyền nhấn mạnh.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31-7, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhấn mạnh, doanh nghiệp nên chuyển hướng sang các thị trường trong khối CPTPP, các thị trường Việt Nam ký FTA mới. Ngoài ra, doanh nghiệp tìm các thị trường "ngách" như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh.
Các cơ quan thương vụ sẽ tích cực cung cấp thông tin thị trường, nêu giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cần cung cấp thông tin chi tiết nhóm sản phẩm doanh nghiệp có thể sản xuất được, cần xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.