(HNMO) - Ngày 24-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Báo cáo đề dẫn, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Trong nước, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Đó là, thông tin, tuyên truyền những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đậm nét, có chiều sâu.
Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường. Thông tin đối ngoại cũng được các loại hình báo chí đưa tin đậm nét. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch có nội dung phong phú, sắc nét.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Tuy nhiên, tại một số báo, tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân; tính định hướng trong một số vấn đề, vụ việc cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng "báo hóa tạp chí", các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp trong việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến một cách phong phú, sinh động; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong thúc đẩy chuyển đổi số báo chí; bàn các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực của đời sống; thảo luận về các vấn đề gặp phải khi thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí...
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm thay mặt Ban tổ chức phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025. Chương trình nhằm thực hiện Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 1256 của Thủ tướng Chính phủ. Dịp này, đã có 32 tập thể được tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, năm 2022, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, là quốc gia có nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đạt kết quả nổi bật. Năm 2023, các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII cũng như đề án quy hoạch và quản lý báo chí, nhằm xây dựng báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Trong đó, phải đặt sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trong mọi hoạt động của báo chí.
“Báo chí cần đi vào những điểm mới, điểm khó, những vùng sâu, vùng xa để đồng hành cùng dân tộc định hướng dư luận và bám sát, phản ánh thực tiễn hết sức phong phú của nhân dân, đất nước… Đồng thời, tiếp tục phát huy dân chủ gắn với sứ mệnh, trách nhiệm, kỷ cương, để luôn đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cùng với đó, phải hướng tới giá trị nhân văn, là những chân - thiện - mỹ, tôn vinh những sáng tạo của doanh nhân trong thời kỳ mới. Qua đó, làm phong phú hơn, đa dạng hơn, khơi dậy lòng yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), các cơ quan báo chí bên cạnh các hoạt động kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, cần có các chương trình hành động, đề ra những giải pháp, phương án đổi mới, xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng đáp ứng yêu cầu mới”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội, góp phần tham gia khắc phục được các điểm nghẽn. Trong phản biện, phải phê phán những quan điểm sai trái và không được lợi dụng vai trò, chức năng để làm sai đạo đức nghề báo hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, báo chí phải tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả các lĩnh vực và tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đối ngoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.