(HNM) - Chính trường Mỹ đang trải qua một
Giám đốc FBI James Comey vừa bị sa thải. |
Động thái bất ngờ của Tổng thống D.Trump diễn ra trong bối cảnh Giám đốc FBI J.Comey đang phụ trách cuộc điều tra về khả năng các cố vấn của ông đã tiếp xúc với Nga để tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Do đó, việc ông Comey đột nhiên bị cho nghỉ việc đã khiến Đồi Capitol sửng sốt, đồng thời đẩy vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ lún sâu hơn vào cuộc tranh cãi xung quanh những cáo buộc cho rằng quyết định này mang động cơ chính trị liên quan đến cuộc điều tra về Nga. Những thành viên đảng Dân chủ, thậm chí một số nghị sĩ của chính đảng Cộng hòa của Tổng thống D.Trump cho rằng Nhà Trắng đang cố làm xói mòn cuộc điều tra của FBI. Theo Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ nhận định, Tổng thống D.Trump đã "gây ra một sai lầm rất lớn" bởi việc làm rõ vai trò của Mátxcơva trong cuộc bầu cử năm 2016 là cách duy nhất để khôi phục lòng tin của người dân Mỹ.
Hiện, nhiều quan chức tình báo và luật pháp Mỹ đang yêu cầu Nhà Trắng có lời giải thích thỏa đáng cho vụ sa thải này. Dẫu vậy, trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng phủ nhận các cáo buộc liên quan, đồng thời khẳng định quyết định của Tổng thống D.Trump đã được cân nhắc kỹ lưỡng và không hề có bất cứ động cơ chính trị nào phía sau.
Giám đốc FBI được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống Mỹ thay thế vào bất kỳ lúc nào. Song quyết định sa thải Giám đốc FBI như thế này là gần như chưa từng có. Ông Comey trở thành tâm điểm chú ý kể từ cuộc điều tra liên quan đến bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân cho mục đích công vụ của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Hồi tháng 7 năm ngoái, ông tuyên bố nên khép lại cuộc điều tra vụ việc này. Tuy nhiên, chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử vào tháng 11-2016, ông bất ngờ lật lại điều tra. Đảng Dân chủ và bản thân bà Clinton sau đó đã chỉ trích và đổ lỗi cho ông Comey gây nên thất bại của bà trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.
Trên thực tế, việc sa thải ông Comey không có nghĩa là cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ bị gián đoạn hoặc kết thúc. Các nhân viên FBI vẫn tiếp tục công việc ngay cả khi cuộc tìm kiếm vị trí người đứng đầu cơ quan này đang diễn ra. Theo các nhà phân tích, quy tắc đầu tiên khi làm chính trị ở Washington là không đối đầu với FBI. Điều này chỉ khiến dư luận thêm nghi ngờ và những cuộc điều tra mới sẽ được tiếp tục, thậm chí quy mô lớn hơn.
Bên cạnh đó, dư luận Mỹ tỏ ra không đồng tình với quyết định của ông D.Trump. Tại các thành phố lớn như Washington, Chicago, nhiều người đã xuống đường biểu tình đề nghị tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nghi vấn liên hệ giữa đội ngũ của ông D.Trump với Nga. Sự “nổi sóng” trên chính trường không phải là yếu tố thuận lợi đối với tân chủ nhân Nhà Trắng, đặc biệt khi 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Đáng quan ngại hơn, sự lục đục nội bộ có thể gây ra những trở ngại mới đối với các chính sách lớn của Tổng thống D.Trump như cải cách thuế, y tế, nhập cư...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.