Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia ồ ạt sa thải nhân viên đầu năm 2023: Cần chủ động thích ứng

Hoàng Linh| 11/02/2023 07:13

(HNM) - Bước sang năm 2023, “làn sóng” sa thải nhân viên tiếp tục diễn ra trong nhiều lĩnh vực và trên quy mô toàn cầu. Tình trạng này chủ yếu do sức ép từ những lo ngại suy thoái và bất ổn kinh tế vẫn đang đè nặng lên tâm lý, sức chống chịu của doanh nghiệp và các khách hàng. Lúc này, cả người lao động và doanh nghiệp cần chủ động để thích ứng trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới.

Alphabet - công ty mẹ của Google thông báo sẽ cắt giảm 12.000 việc làm.

Ngày 10-2, Yahoo thông báo về việc sẽ sa thải khoảng 20% nhân lực trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ nay tới hết năm, bắt đầu bằng việc 1.000 người sẽ phải “ra đi” ngay trong tuần này. Trước đó một ngày, GitLab cho biết sẽ khởi động việc cắt giảm nhân sự với đợt đầu vào khoảng 7% tổng số nhân viên. Về phần mình, Zoom cũng công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 15% nhân lực trên toàn cầu - tương đương khoảng 1.300 nhân viên...

Những động thái mới nêu trên diễn ra không lâu sau khi Alphabet - công ty mẹ của Google, thông báo cắt giảm 12.000 việc làm, Microsoft tiết lộ kế hoạch sa thải 10.000 nhân sự. Amazon, Vimeo cũng thông báo lộ trình cắt giảm hàng chục ngàn nhân viên ngay những tuần đầu năm 2023. Những diễn biến trên nối dài các nỗ lực cắt giảm nhân lực, vốn đã bùng nổ từ cuối năm ngoái, khi các ông lớn như Amazon, Twitter, Meta - công ty mẹ của Facebook… cắt giảm việc làm quy mô lớn và “đóng băng” hoạt động tuyển dụng. Theo CNN, nếu 2022 được coi là năm chấm dứt thời kỳ thịnh vượng của các hãng công nghệ, năm 2023 sẽ là giai đoạn “mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

“Làn sóng” tinh giản không chỉ diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, mà nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác cũng đang đối mặt với quyết định khó khăn. “Đại gia” ngành giải trí Walt Disney ngày 9-2 đã thông báo tinh giản 7.000 nhân sự toàn cầu, trong khi Hãng ô tô điện Rivian cho biết sẽ loại bớt 6% nhân sự... Tương tự, Philips sa thải khoảng 6.000 nhân viên nhằm bảo đảm lợi nhuận trong bối cảnh đợt triệu hồi sản phẩm gần đây đã khiến giá trị doanh nghiệp giảm 70%...

Lý do chính được đưa ra là nhu cầu giảm chi tiêu của khách hàng, bảo đảm lợi nhuận của doanh nghiệp trước thực tế nền kinh tế thế giới diễn biến bất ổn. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Meta cho rằng, họ đã đánh giá sai về nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Alphabet, Twitter, Yahoo… đều cho biết đợt cắt giảm mới là nhằm tái cấu trúc chi phí và tập trung nguồn lực cho những ưu tiên hàng đầu.

Theo giới quan sát, đây là những bước đi không thể tránh khỏi để doanh nghiệp có thể thích ứng tồn tại và phát triển trước diễn biến khó lường của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết bảo vệ quyền lợi và tạo mọi điều kiện để những nhân viên bị cắt giảm có thể bảo đảm cuộc sống và tiếp tục có cơ hội công việc trong tương lai.

Trong khi đó, đối với người lao động, theo các chuyên gia kinh tế, việc bị cuốn vào “cơn bão” sa thải lúc này không phải là dấu chấm hết. Chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG cho rằng, nhiều doanh nghiệp luôn có nhu cầu đối với lao động tay nghề cao. Cùng với đó, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục, lao động sở hữu các kỹ năng công nghệ hay liên quan tới nhân sự, tuyển dụng và tiếp thị, có thể tìm thấy nhiều cơ hội, thậm chí trong các lĩnh vực trước đây chưa từng có. Sự xáo trộn cũng được xem là cơ hội cho các ngành nghề vốn bị tụt hậu trong chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh mạng, khi giờ đây đã có thể tuyển dụng những tài năng mà trước kia không thể.

Nhìn chung, việc “làn sóng” sa thải kéo dài là điều không mong muốn, nhưng khó tránh. Vì thế, cả người lao động lẫn các doanh nghiệp cần có sự chủ động thích ứng để vượt qua giai đoạn kinh tế được đánh giá là đặc biệt khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia ồ ạt sa thải nhân viên đầu năm 2023: Cần chủ động thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.