Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn ác mộng” với nước Anh

Quang Huy| 23/10/2016 06:20

(HNM) - Sau khi quyết định trưng cầu dân ý để rời khỏi mái nhà chung Châu Âu (còn gọi là Brexit), nước Anh liên tiếp đối mặt với những khó khăn từ suy giảm kinh tế, tìm hướng đi thời hậu Brexit cho đến nguy cơ chia rẽ của Scotland.

Không ít người Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.


Trong một bước đi mới nhất, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố, Scotland sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về vấn đề tách khỏi Anh vào năm 2020 nếu như Anh rời EU. Theo bản đệ trình mà bà N.Sturgeon gửi Quốc hội trước đó, sự kiện này có thể diễn ra trước tháng 3-2019, thời điểm dự kiến nước Anh sẽ chính thức rời EU. Chính trị gia này nêu rõ quan điểm, Scotland là một đối tác bình đẳng trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Scotland muốn ở lại với ngôi nhà 28 thành viên. Để chuẩn bị những phương án nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của Scotland với EU, bà N.Sturgeon đã đưa ra 4 điểm chính, gồm việc thành lập ban điều hành thương mại mới để thu hút kinh nghiệm kinh doanh, xây dựng dự án đặc phái viên thương mại để tuyển dụng những nhà lãnh đạo kinh doanh giỏi của Scotland, thành lập một tổ hợp thương mại và sáng tạo tại Berlin (Đức) và tăng gấp đôi số lượng nhân viên phát triển của Scotland trên khắp Châu Âu. Ngoài ra, Scotland cũng đã tuyên bố từ năm 2017 sẽ miễn học phí đại học cho sinh viên đến từ EU học tại vùng lãnh thổ này. Tất cả những nỗ lực này dường như là một bước đệm nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế, qua đó chuẩn bị cho mọi khả năng xảy ra, kể cả việc tuyên bố độc lập khỏi nước Anh.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, 51,89% người dân Anh đã bỏ phiếu đồng ý rời khỏi EU trong khi 62% người Scotland ủng hộ việc ở lại liên minh. Như vậy, nếu cuộc trưng cầu dân ý về việc quyết định độc lập cho Scotland lần thứ hai được tổ chức, kết quả có thể sẽ khác xa với lần đầu tiên. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà bà N.Sturgeon sẽ gặp phải cho kế hoạch độc lập này là người Scotland dù muốn tiếp tục làm thành viên EU nhưng lại chưa thực sự chuẩn bị cho việc rời bỏ nước Anh.

Theo kết quả khảo sát mới nhất hôm 13-10, chỉ có 38% người Scotland muốn độc lập ngay, trong khi có tới 47% muốn tiếp tục ở lại. Bị thiệt hại khá nặng nề từ việc giá dầu giảm mạnh trong vòng 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Scotland hiện chỉ bằng 1/3 mức của cả Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Thâm hụt ngân sách của Scotland năm 2015 ở mức cao lên đến 15 tỷ bảng Anh. Uy tín cá nhân của bà N.Sturgeon cũng bị sụt giảm đáng kể, từ người được yêu mến nhất Scotland năm ngoái xuống vị trí thứ 4 theo khảo sát gần đây. Vì lẽ đó, ý định tổ chức trưng cầu dân ý cũng có thể chỉ là một “lá bài” để nữ chính khách này đòi thêm nhiều quyền tự quyết hơn nữa cho Scotland, nhất là trong các vấn đề về các chính sách nông nghiệp, nhập cư và ngoại giao.

Còn đối với Anh, tuyên bố của bà N.Sturgeon cho thấy sức ép đang đè nặng lên đôi vai của Luân Đôn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa kết thúc ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh Theresa May đã để ngỏ khả năng lựa chọn "Brexit cứng". Theo đó, Anh sẽ độc lập hoàn toàn về chủ quyền, lãnh thổ, luật pháp đối với EU và ưu tiên quyền kiểm soát nhập cư lên hàng đầu, trong đó việc tự do tìm việc làm, sinh sống của người dân EU tại Anh sẽ bị hạn chế bởi một số điều kiện nhất định. Ngay lập tức, chính sách của Anh đã bị EU phản ứng quyết liệt. Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo, Luân Đôn sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán cam go, nếu vẫn theo đuổi một kịch bản "Brexit cứng". Trong khi đó, những khó khăn về kinh tế khiến người dân đảo quốc mù sương ngao ngán. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney cho biết, giá một số mặt hàng tại Anh như thực phẩm sẽ tăng do đồng bảng mất giá. Nếu khả năng Scotland tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc tách khỏi Anh trở thành hiện thực, đó sẽ là một "cơn ác mộng" đối với nước Anh.

Tuy nhiên, dư luận đang trông đợi cuộc thảo luận dự kiến vào cuối tháng 10 này giữa Luân Đôn với các vùng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, trong đó có sự tham gia của Scotland về một kế hoạch chung triển khai Brexit. Kết quả cuộc thương lượng này sẽ tác động mạnh đến kế hoạch ra đi của Scotland. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cơn ác mộng” với nước Anh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.