Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế tỷ giá mới: Doanh nghiệp ít chịu rủi ro hơn

Thanh Hương| 05/01/2016 11:13

(HNMO) – Điều hành tỷ giá theo cơ chế mới đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ ngày 4/1. Theo ý kiến lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lớn, việc đổi mới trong điều hành này giúp giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ; các doanh nghiệp cũng ít chịu rủi ro tỷ giá hơn so với trước.


Ông Lê Đức Thọ-Tổng Giám đốc Vietinbank: Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chủ động hơn

-Thưa ông, cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có tác động như thế nào đến doanh nghiệp, ngân hàng?


-Tôi cho rằng việc đổi mới trong cơ chế điều hành tỷ giá là bước đi cần thiết và quan trọng đối với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. Với cơ chế điều hành lần này sẽ giúp thị trường và tỷ giá có điều kiện được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ về quan hệ thương mại đầu tư, vay và trả nợ tại Việt Nam lớn.

Đồng thời, cơ chế này sẽ phản ánh được định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Vì vậy, cơ chế tỷ giá có thể nói linh hoạt theo thị trường quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh.

Tôi cho rằng cơ chế này có tác động tích cực đến các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (TCTD) và người dân. Nó giúp cho các doanh nghiệp và các TCTD chủ động nhiều hơn so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ.

Cơ chế này cũng sẽ khuyến khích các thành viên có điều kiện để áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường hàng hóa.

Ông Lê Đức Thọ -Tổng Giám đốc Vietinbank


Vì vậy, chúng tôi tin tưởng cơ chế này giúp thị trường hoạt động lành mạnh hơn và tiệm cận nhanh hơn với thị trường tài chính thế giới.

-Giả sử, NHNN đưa ra tỷ giá trung tâm lệch với nhu cầu của thị trường thì sao, thưa ông?

-Về nguyên tắc, theo tính toán của NHNN, tỷ giá trung tâm đã được phản ánh những yếu tố cung cầu của thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, liều lượng của nó được phản ánh vào đó như thế nào còn tùy thuộc vào yếu tố thứ 3-mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ.

Nhà điều hành sẽ phải quyết định liều lượng của từng yếu tố để đảm bảo được tỷ giá vẫn phản ánh được nhu cầu, cung cầu ngoại tệ cần thiết trên thị trường và vẫn đảm bảo sự ổn định không tạo ra cú sốc nền kinh tế. Và cũng giúp cho hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn, các đối tác cũng điều chỉnh tỷ giá linh hoạt.

Đồng thời tỷ giá cần cân đối các khoản vay nợ nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu không có ảnh hưởng và cú sốc quá lớn làm tăng việc trả nợ, vượt ra khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tất cả việc này đều là vai trò của NHNN phải cân đối được các yếu tố này.

Ngoài ra, giá giao dịch thực tế trên thị trường giữa các TCTD hoặc TCTD và doanh nghiệp còn có biên độ của NHNN là +/-3%. Với cơ chế xác định tỷ giá trung tâm và biên độ 3%, tôi tin tưởng hoàn toàn tỷ giá phản ánh được cung-cầu tiền tệ.

-Ở Việt Nam có thời điểm khá căng thẳng nhu cầu mua USD của doanh nghiệp. Với định hướng mua bán có kỳ hạn liệu có giải tỏa được áp lực căng thẳng này không, thưa ông?

-Tôi cho rằng với cơ chế này, các sản phẩm phái sinh trong đó có sản phẩm kỳ hạn sẽ được đưa vào áp dụng phổ biến hơn và nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ được thỏa mãn bởi phương thức giao dịch giao ngay mà còn được thực hiện thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn cũng như các sản phẩm phái sinh khác nên chắc chắn làm giảm đáng kể áp lực mua bán ngoại tệ tại một số điểm nào đó, làm cho tỷ giá được phản ánh xác thực hơn cung cầu thị trường.

Trên thực tế, ngày đầu tiên áp dụng cơ chế mới, ở góc độ ngân hàng thương mại, chúng tôi thấy rằng tâm lý thị trường đón nhận tích cực, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần quy định theo cơ chế mới này.

-Tại Vietinbank, hoạt động mua bán ngoại tệ được triển khai như thế nào?

-Trong thời gian qua, các TCTD đã được truyền thông khá kịp thời về cơ chế này. Đầu giờ sáng 4/1, chúng tôi đã triển khai ngay cơ chế mới, khách hàng cũng hết sức phấn khởi khi cơ chế này tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho các doanh nghiệp đồng thời tránh tâm lý ỷ lại của một số doanh nghiệp và TCTD nào đó vào cơ chế có tính cố định, thiếu sự linh hoạt cần thiết. Rõ ràng với cơ chế này, các doanh nghiệp rất chủ động trong việc quyết định các hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ của mình.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank: Hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ


-Thưa bà, khi có tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại có thích ứng dễ dàng hơn không?

-Thời gian đầu thị trường còn hơi cân nhắc, bỡ ngỡ với cách thức điều hành mới nhưng chúng tôi cho rằng một vài ngày tới cung cầu tỷ giá thể hiện một sự ổn định và điều quan trọng các ngân hàng thương mại và NHNN đã có sự chuẩn bị trước rồi. Do vậy, chúng tôi có biện pháp điều hành sát với thị trường và chúng tôi đánh giá rất cao sự thay đổi của NHNN. Vì sự thay đổi rất căn bản vì ngoài sự theo sát diễn biến thị trường ngân hàng còn bám sát diễn biến vĩ mô, giao dịch thị trường và diễn biến các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt là phiên đóng cửa gần nhất.

Tỷ giá được điều hành theo cơ chế mới sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ
(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong ngày 4/1 giao dịch có biến động, nhiều hơn một chút nhưng đến thời điểm này thì trở lại bình thường. cũng không thay đổi nhiều lắm, số lượng giao dịch thì có thay đổi nhưng quy mô giao dịch thì không lớn lắm, tùy thuộc vào từng giao dịch của doanh nghiệp. Có những giao dịch mang tính đặc thù thì có thể giao dịch số lợi nhưng số lượng giao dịch thì không có đột biến.

-Các giao dịch phái sinh có tăng không, thưa bà?


- Các giao dịch phái sinh thì các ngân hàng thương mại đã triển khai lâu rồi. Với cách điều hành tỷ giá mới, doanh nghiệp sẽ quen dần với các sản phẩm phái sinh. Trước đây, doanh nghiệp gần như chỉ quan tâm tới tỷ giá giao ngay nhưng tôi cho rằng từ giờ trở đi thị trường và các doanh nghiệp sẽ quen dần hơn với các sản phẩm phái sinh đặc biệt bản thân doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc giao dịch thương mại và chiến lược của từng doanh nghiệp.

-Vậy, tỷ giá được điều hành theo cơ chế mới, các TCTD có cơ hội lướt sóng?

-Chúng tôi cho rằng ngược lại, hạn chế được đầu cơ tỷ giá, găm giữ và tạo tâm lý thị trường vì biện pháp điều hành này khá sát với nhu cầu thực tế sẽ làm hạn chế nhu cầu đầu cơ đi.

Quan điểm điều hành của Agribank xưa và nay là không có tư tưởng lướt sóng, mà phục vụ cho tất cả giao dịch, khách hàng và không từ chối bất kỳ nhu cầu hợp pháp nào của khách hàng.

Ngân hàng phải có sự chuẩn bị và phân tích trong số khách hàng của mình nhu cầu mua bán, trả nợ, tín dụng ngoại tệ và ngân hàng phải lượng hóa được nhu cầu đó của khách hàng. Vì khách hàng hầu hết là khách hàng truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế tỷ giá mới: Doanh nghiệp ít chịu rủi ro hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.