Trái với chu kỳ tăng thông thường hằng năm, thời gian gần đây, tỷ giá lại liên tục “hạ nhiệt”.
Các chuyên gia cho rằng, việc tỷ giá "hạ nhiệt" giúp giảm áp lực đối với nền kinh tế, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng tăng giá của tiền VND tiếp diễn trong tháng qua nhờ USD giảm mạnh, có những thời điểm chỉ số USD Index (DXY) giảm về mức 100,7, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2023. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8-2024, chỉ số DXY đạt 101,35 điểm.
Còn trong báo cáo tiền tệ vừa công bố của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm đáng kể trong tháng 8-2024 nhờ sự suy yếu của USD. So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm 1,4% xuống mức 24.860 VND/USD, đánh dấu mức tăng 2,1% so với đầu năm 2024. Trong khi tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,7% so với đầu năm 2024.
Trong nước, tốc độ tăng giá của VND trong tháng 8-2024 nhanh hơn tháng 7-2024. Cụ thể, tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường giảm về 24.978 VND/USD, giảm 1,1% so với cuối tháng 7, trong đó, tỷ giá bán tại Vietcombank giảm về 24.680 VND/USD (mua vào) - 25.050 VND/USD (bán ra) tại ngày 30-8, thấp hơn 370 VND/USD so với cuối tháng 7. Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cuối tháng đã giảm về mức 25.110-25.200 VND/USD, giảm khoảng 1,7%.
Rõ ràng, tỷ giá giảm mạnh so với chu kỳ thông thường của USD những năm trước, do USD trên thị trường quốc tế suy yếu. Hơn nữa, thói quen “găm” USD của người dân thay đổi do những kỳ vọng về đà tăng giá của đồng ngoại tệ này không còn. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có thời điểm VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến đầu tháng 8-2024 chỉ còn là 3,85%. Đây là kết quả từ việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính.
Cùng với đà "hạ nhiệt" của tỷ giá, cũng trong tháng 8-2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng trên thị trường mở với quy mô xấp xỉ so với tháng 7. Tính đến ngày 23-8, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng khoảng 41.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, chủ yếu là do tín phiếu phát hành tháng trước dần đáo hạn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì bơm tiền qua kênh cầm cố với quy mô cho vay tương đương với đáo hạn. Lượng tiền bơm ròng qua kênh cầm cố là không đáng kể, chỉ khoảng 6.500 tỷ đồng.
Lãi suất trên thị trường mở cũng có sự điều chỉnh đáng chú ý. Từ ngày 5-8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản lãi suất kênh cầm cố và tín phiếu, từ 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm. Tiếp đó, lãi suất phát hành tín phiếu được điều chỉnh giảm thêm 15 điểm cơ bản xuống còn 4,15%/năm.
Không cần nâng lãi suất điều hành
Với diễn biến tỷ giá hiện tại, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm 2024.
Theo các chuyên gia của MBS, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800- 25.000 VND/USD trong quý IV-2024. Dự báo này được đưa ra dựa trên những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 14,1 tỷ USD trong 7 tháng của năm 2024), dòng vốn đầu tư nước ngoài và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Cùng với đó là sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa.
Nhiều dự báo khác cũng cho thấy, VND có thể tăng giá trở lại, dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ xoay quanh mức hiện tại cho đến cuối năm 2024. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9-2024 có thể góp phần ổn định tỷ giá hối đoái và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm.
Đại diện của nhiều doanh nghiệp có chung nhận định, tỷ giá ổn định, thậm chí có thể giảm vào cuối năm góp phần hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp và sẽ giúp giảm áp lực tăng mặt bằng lãi suất, có thể kích cầu tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá giảm giúp doanh nghiệp bớt áp lực về tài chính. Tuy nhiên, trong những tháng tới, diễn biến đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ, nên cần tiếp tục theo dõi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác và vai trò của USD trước các rủi ro địa chính trị.
Ngoài ra, với thị trường trong nước, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV.
Đặc biệt, cuối quý III và đầu quý IV, nhu cầu USD thường tăng cao do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; cùng với đó là sự gia tăng áp lực tỷ giá do các yếu tố liên quan đến cán cân thanh toán. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.