Ngày 14-11, giá USD trong nước tiếp tục tăng cao trong bối cảnh đồng USD biến động lớn trên thị trường thế giới. Vậy tỷ giá liên tiếp tăng trong thời gian qua có tác động thế nào đến doanh nghiệp?
Tỷ giá USD/VND vượt “đỉnh”
Trên website của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm ngày 14-11 được niêm yết 1 USD = 24.290 VND. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 23.075-25.504 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là 23.400 VND/USD (mua vào) – 23.450 VND/USD (bán ra).
Đà “leo thang” của tỷ giá cũng khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh giá USD. Theo đó, các ngân hàng thương mại nâng giá USD lên sát mức trần, đồng thời cũng vượt đỉnh thiết lập hồi giữa năm 2024.
Tính đến nay, giá USD tăng khoảng 4,4% so với đầu năm 2024. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD niêm yết 25.154 VND/USD (mua vào) - 25.504 VND/USD (bán ra), tăng hơn 20 VND/USD so với ngày 13-11.
Còn ở Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá được niêm yết là 25.185 VND/USD (mua vào) – 25.504 VND/USD (bán ra).
Trên thị trường tự do, đồng USD lại diễn biến trái chiều khi giảm nhẹ so với ngày hôm trước, giao dịch ở mức 25.450 - 25.650 VND/USD. Trước đó, đồng USD có thời điểm đạt “đỉnh” 26.000 VND/USD
Trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY) - thể hiện diễn biến của USD với 6 loại tiền tệ chính (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đạt mức 106,51, tăng 0,49%. Theo các chuyên gia, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong năm so với các loại tiền tệ chính nhờ các hoạt động giao dịch liên quan đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và dữ liệu lạm phát tháng 10 của Mỹ đúng kỳ vọng, thể hiện xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ứng phó với biến động của tỷ giá
Như vậy, với tỷ giá USD ở quanh mức 25.000 VND (bán ra), các doanh nghiệp ước tính, chi phí có thể bị “kéo” tăng 5%-10%. Mặc dù việc ứng phó với biến động tỷ giá không phải chuyện mới, song đà tăng của USD những ngày qua buộc doanh nghiệp phải tính toán giải pháp để tránh bị ảnh hưởng lớn.
Đánh giá về những tác động của tỷ giá, các chuyên gia tài chính cho rằng, khi USD tăng giá, không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa hoặc vay nợ bằng USD bị ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm, mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được hưởng lợi nhiều. Bởi vì phần lớn máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu đều phải nhập khẩu, nên khi tỷ giá tăng, chi phí nhập khẩu tăng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng.
Đại diện một doanh nghiệp ngành dược liệu ở Hà Nội cho biết, khi giá USD tăng cao, về ngắn hạn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ không có lợi cho doanh nghiệp bởi nhiều yếu tố bị tác động, từ chi phí đầu vào tăng lên đến việc phải điều chỉnh giá bán ở nhiều thị trường khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là tỷ giá sẽ tiếp tục biến động ra sao từ nay đến cuối năm 2024? Về phía ngân hàng, chuyên gia của Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, tỷ giá sẽ biến động quanh mức 3% hằng năm, trong đó cuối năm sẽ đạt khoảng 25.200 đồng/USD, nhờ thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, du lịch tăng trưởng...
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn tăng cao trong tháng 11 này, VND dự báo có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận 26.000 VND/USD. Ngoài những yếu tố đến từ đồng USD trên thị trường thế giới tăng cao, còn có yếu tố "mùa vụ" khi các doanh nghiệp tăng nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm.
Trước những biến động về tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc ổn định tỷ giá, ngoại hối còn phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đô la hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần thì đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện, biên độ tỷ giá được phép dao động +/- 5%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, nếu thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về định hướng chính sách.
Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không tiếp tục giảm lãi suất, bởi nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, tạo tâm lý không yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.