(HNM) - Sau gần hai năm tham gia lớp tập huấn, các học viên mới phát hiện phần lớn số kinh phí để mở lớp tập huấn nghề cho 40 học viên không đến được tay người học…
Theo đơn của ông Nguyễn Hữu Giáp cùng một số học viên tham gia chương trình “Phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp” thì ngày 17-8-2016, ông và 39 người dân đã dự lễ khai giảng lớp học do UBND xã Xuân Giang tổ chức. Sau một ngày học lý thuyết, các học viên được cán bộ UBND xã phát cho mỗi người 100 nghìn đồng, nhưng tất cả đều không phải ký vào danh sách nhận tiền. Đến ngày 10-7-2018 (sau gần 2 năm khóa tập huấn nghề kết thúc), 20 học viên tham gia (mô hình 1) mới được nhận 40 dụng cụ, bao gồm máy khoan, máy bào, đồ đục thủ công... Thế nhưng, phần lớn những dụng cụ trên khi đến tay các học viên đã hư hỏng ngay lần sử dụng đầu tiên.
Tuy vậy, theo Báo cáo số 33/BC-KT do ông Đỗ Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang ký ngày 2-7-2018 về kết quả triển khai chương trình phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp tại địa phương thì từ ngày 19 đến 26-8-2016, UBND xã Xuân Giang đã tiếp nhận và bàn giao đầy đủ 40m3 gỗ và 160 dụng cụ đến các học viên(?!)
Bức xúc trước việc báo cáo sai sự thật của UBND xã Xuân Giang, các học viên tham gia chương trình phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp đã có đơn phản ánh sự việc đến UBND huyện Sóc Sơn và các cơ quan chức năng. Kết quả kiểm tra cho thấy, ngoài 100 nghìn đồng nhận từ cán bộ xã Xuân Giang, trong thời gian tham gia chương trình, 40 học viên không nhận được bất kỳ một thiết bị hay nguyên liệu để thực hành. Chữ ký trong hồ sơ nhận tiền cũng không phải chữ ký của các học viên. Thế nhưng, trong Báo cáo số 54/BC-UBND gửi Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn vào ngày 10-9-2018, một lần nữa ông Đỗ Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang vẫn khẳng định: “Khi được Chi cục Phát triển nông thôn tạm ứng kinh phí, UBND xã đã tổ chức thực hiện theo quy định. Khi mua máy móc, UBND xã đã bàn giao giữa người bán, UBND xã và giao cho người dân tham gia mô hình”.
Ngày 18-9, tiếp xúc với một số học viên tham gia chương trình “Phát triển nghề đục, chạm gỗ cao cấp xã Xuân Giang”, phóng viên nhận thấy nhiều người hết sức bất bình trước những dấu hiệu mập mờ của chính quyền địa phương. Để làm rõ những khúc mắc đó, phóng viên đã liên lạc với ông Đỗ Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, nhưng viện lý do bị ốm, ông Thìn đã từ chối làm việc. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Giáp, sáng cùng ngày ông Thìn có gọi điện mời ông đến trụ sở UBND xã để thống nhất nội dung bãi nại đơn thư (?).
Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra làm rõ những khúc mắc nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.