Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay ngăn cuộc gọi rác

Gia Khánh| 04/09/2022 06:17

(HNM) - Bảy nhà mạng vừa ký kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác. Việc các nhà mạng cùng cam kết vào cuộc cho thấy quyết tâm chung tay ngăn chặn vấn nạn vốn gây bức xúc xã hội lâu nay, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người.

Thực tế, từ năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác. Cùng với đó, các nhà mạng tăng cường giải pháp quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao “ảo”, thu hồi sim rác kích hoạt sẵn - được coi là yếu tố phát sinh cuộc gọi rác.

Kết quả là hàng trăm nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã được các nhà mạng xử lý, hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống phân phối bị thu hồi thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lập thị trường viễn thông lành mạnh, an toàn.

Tuy nhiên, sau khi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn nạn cuộc gọi rác lại gia tăng. Không chỉ là quảng cáo, mời chào dịch vụ, mà có cả cuộc gọi mạo danh, lừa đảo. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi rác tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; có 113.416 thuê bao bị chặn do phát tán cuộc gọi rác, tăng 53%.

Rõ ràng, để xử lý cuộc gọi rác, cơ quan quản lý và các nhà mạng phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa. Trước hết, các nhà mạng đã cùng ký cam kết thì phải thực hiện nghiêm túc việc quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim di động đã kích hoạt nhưng chưa sử dụng, bởi đa phần cuộc gọi rác xuất phát từ sim thuê bao chưa được định danh. Xử lý sim rác là xử lý từ gốc phát sinh cuộc gọi rác.

Thứ hai, các nhà mạng tiếp tục triển khai biện pháp kỹ thuật rà quét, ngăn chặn cuộc gọi rác. Ở khía cạnh này, rất cần sự chung tay của người tiêu dùng, phối hợp phản hồi với nhà mạng khi nhận cuộc gọi rác. Tin nhắn khảo sát của nhà mạng sẽ được gửi đến thuê bao ngay sau cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Người tiêu dùng chỉ mất 3-5 giây chọn phương án trả lời “có” hoặc “không” để giúp nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm, cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra các chế tài quản lý phù hợp.

Ngoài ra, khi nhận được cuộc gọi rác, mạo danh, lừa đảo, người tiêu dùng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng qua tổng đài tin nhắn 5656 hoặc cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại địa chỉ: http://thongbaorac.ais.gov.vn. Đồng thời, chủ thuê bao cũng phải có trách nhiệm phối hợp xác thực thông tin thuê bao chính chủ, qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Sự chủ động chung tay của người tiêu dùng cũng là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn, xử lý triệt để vấn nạn cuộc gọi rác.

Thứ ba, để quảng cáo qua điện thoại, các thuê bao phải được đăng ký định danh. Nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ cuộc gọi quảng cáo và việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Vì thế, nếu cuộc gọi được định danh sẽ không còn là cuộc gọi rác.   

Cuối cùng, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra việc phát hành thuê bao, quản lý thuê bao di động, xử lý nghiêm nhà mạng không nghiêm túc “làm sạch” thông tin thuê bao; không thực hiện đúng cam kết về xử lý rác viễn thông (cuộc gọi, tin nhắn rác, sim rác). Tất cả phải cùng chung tay để xử lý cuộc gọi rác, tránh gây hệ lụy xấu cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay ngăn cuộc gọi rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.