Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện 10 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả gửi tin nhắn rác, lừa đảo

Châu Anh| 07/04/2023 20:38

(HNMO) - Chiều 7-4, ông An Xuân Hải, Trưởng phòng Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong ngày đầu tháng 4-2023, Cục Tần số vô tuyến điện cùng các Trung tâm tần số khu vực phối hợp với cơ quan công an phát hiện 2 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo.

Cụ thể, cả 2 vụ việc được phát hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hưng Yên. Các đối tượng sử dụng ô tô chở thiết bị, tự lái xe đến khu tập trung dân cư đông để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo và đang thực hiện hành vi thì bị phát hiện, bắt quả tang.

Với sự hỗ trợ của lực lượng công an, cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện đã phát hiện bắt quả tang đối tượng sử dụng xe ô tô chở thiết bị đi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đầu tháng 4 vừa qua, tại Thái Nguyên. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện.

Trước đó, trong tháng 3-2023, Cục đã phối hợp cùng các trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực, phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo với mục đích lừa đảo tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam và Thanh Hóa.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng, cơ quan quản lý tần số đã phát hiện 10 vụ sử dụng 11 BTS giả phát tán tin rác, tin lừa đảo tại 7 tỉnh, thành phố và hiện đã chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ. Được biết, cơ quan công an đã bắt giữ 11 đối tượng trực tiếp thực hiện, tham gia vào vận hành tán phát tin rác, tin lừa đảo. Các đối tượng sử dụng BTS giả sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự về "Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác"...

Cũng theo ông An Xuân Hải, trong thời gian qua, tình trạng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo xuất hiện không ít, đáng chú ý tin nhắn brandname (tin nhắn thương hiệu) giả mạo ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây thiệt hại cho người dân, đồng thời gây bức xúc trong dư luận. Qua theo dõi trên hệ thống kỹ thuật và tiếp nhận phản ánh từ các nhà mạng, Cục Tần số vô tuyến điện và các trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực đã phối hợp với cơ quan công an triển khai theo dõi, kiểm soát, xác định nguồn tín hiệu, vị trí lắp đặt sử dụng trạm phát sóng BTS giả để truy vết.

Trạm phát sóng BTS giả có kích thước nhỏ gọn với thiết bị phát nhỏ hơn bộ CPU của máy tính. BTS giả này được kết nối với máy tính xách tay, thuận tiện cho việc mang xách đi lại, cơ động và dễ hiểu khi đối tượng mang theo trên xe ô tô để tự lái đi phát tán tin rác.

Đối tượng xấu sử dụng trạm BTS giả (nhỏ như CPU máy tính, ngụy trang bằng treo áo ở trên) kết nối máy tính để trên ô tô đến nơi tập trung dân cư để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện.

“Nếu như trong năm 2022, đối tượng xấu sử dụng BTS giả phát cố định (thuê nhà dân, hay khách sạn) thì sang năm nay, chúng chọn cách lái xe di chuyển lòng vòng vào những nơi tập trung đông người. Sở dĩ chọn cách di chuyển vừa là để tránh bị phát hiện, vừa có thể cơ động đến được nhiều khu dân cư, nơi tập trung đông người nhằm đạt mục đích phát tán càng nhiều tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác càng tốt”, ông An Xuân Hải cho biết.

Điểm đáng chú ý, trạm BTS giả này được khai báo các thông số giống với trạm BTS thật (trạm 4G, 2G). Khi thuê bao di động đến gần BTS giả, do chịu cường độ sóng giả mạnh, thuê bao bị tạm chuyển sang trạm giả quản lý, bằng cách hạ tín hiệu 4G xuống 2G để gửi tin nhắn phục vụ mục đích của họ. Đó cũng là lỗ hổng bảo mật của công nghệ di động GSM 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực lại mạng, vậy nên bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Nhiều quốc gia đang dùng GSM 2G cũng gặp phải thách thức này…

Cũng theo ông An Xuân Hải, việc theo dõi, bắt quả tang đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, sử dụng thiết bị nhỏ gọn, cơ động, thiết bị dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện ô tô, để tránh bị phát hiện. Các đối tượng này thay đổi liên tục nhiều địa điểm, vị trí trên nhiều tuyến phố, quận nội thành, chỉ dừng di chuyển trong thời gian ngắn để phát tán tin nhắn nên việc xác định, phát hiện nguồn tín hiệu của BTS giả rất phức tạp, mất nhiều thời gian, nhân lực. Do vậy, bên cạnh sự phối hợp của cơ quan công an, vai trò thực chiến của các đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật thuộc các trung tâm tần số vô tuyến điện là rất lớn. Hầu hết các vụ việc công an đeo bám, truy đuổi như phim hành động…

Trưởng phòng Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện giới thiệu "cung đường" lòng vòng của BTS giả vừa để tránh bị phát hiện, vừa đạt mục đích tán phát được nhiều tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác.

Qua các vụ việc sử dụng BTS giả để tán phát tin nhắn rác, lừa đảo, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo, người dân khi nhận được các ứng dụng, tin nhắn, đường link lạ… nên cảnh giác, tuyệt đối không truy cập vào ứng dụng, đường link lạ không rõ nguồn gốc, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu để đề phòng bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản; kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng, công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện 10 vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả gửi tin nhắn rác, lừa đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.