(HNM) - Sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch của nước ta đã có sự thay đổi một cách tích cực, chủ động. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao; có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt…, nên mọi hoạt động, bao gồm lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã và đang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, thành phố Hà Nội và các địa phương trong cả nước đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để đưa học sinh trở lại trường an toàn. Nhìn chung, việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp về cơ bản được xã hội, đội ngũ nhà giáo, phụ huynh ủng hộ, đồng tình; được đánh giá là đúng lúc và kịp thời.
Điều đáng mừng là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi phương diện, đến nay, việc tái khởi động trường học cơ bản được thực hiện trên nguyên tắc linh hoạt, tổ chức dạy học trực tiếp diễn ra liên tục, có sự chủ động trong xử lý hiệu quả ca nhiễm Covid-19 phát sinh bằng việc khoanh gọn nhất, tác động ít nhất. Đặc biệt, với sự nỗ lực, chủ động từ sớm, từ xa của các nhà trường, đội ngũ giáo viên, nên cùng với dạy học trực tiếp, hình thức dạy học trực tuyến cho những học sinh chưa có điều kiện đi học trở lại được duy trì nghiêm túc, hiệu quả.
Sự quyết tâm mở cửa trường học an toàn, hiệu quả còn được thể hiện ở tinh thần không chủ quan, không sợ hãi, không đóng cửa trường học trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh trong xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh đã tạo sự yên tâm cho học sinh đến trường học tập, cũng như khi các em phải học trực tuyến tại nhà.
Tái khởi động trường học sau một thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh là việc khó, chưa có tiền lệ. Vì thế, quá trình triển khai thực hiện ở nơi này, nơi kia khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng trong xử trí tình huống phát sinh. Trước những vấn đề này, yêu cầu hiện nay là việc đưa học sinh trở lại trường phải bảo đảm thống nhất, không áp dụng cứng nhắc, máy móc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn,…; đồng thời, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm".
Đây cũng là vấn đề mà người dân đang rất quan tâm khi họ vừa muốn con em được đến trường, nhưng cũng mong phải giảm thiểu rủi ro, đáp ứng chất lượng dạy và học. Đồng cảm, chia sẻ với những lo lắng chính đáng của phụ huynh học sinh, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học diễn ra sáng 17-2-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu".
Thực tế, việc đi học của trẻ em luôn rất quan trọng không chỉ khi có dịch bệnh. Về lâu dài, việc học tập của trẻ còn liên quan đến vấn đề bảo đảm nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của vi rút SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Rõ ràng, việc đưa học sinh trở lại trường học đã nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan. Song, để tạo sự thống nhất của người dân, xã hội thì yếu tố chuyên môn về giáo dục, y tế vẫn là quyết định. Các ngành Giáo dục, Y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và các địa phương để tiếp tục ban hành hướng dẫn, phương án phòng, chống dịch thống nhất trong nhà trường, tại gia đình một cách chi tiết, dễ thực hiện; triển khai đến từng giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.
Đặc biệt, việc triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cần được tiếp tục truyền thông rộng rãi, mạnh mẽ hơn để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết, từ đó có sự đồng thuận cao. Những vấn đề cần quan tâm khác là tiếp tục có biện pháp hiệu quả kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca nhiễm, nghi nhiễm hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị; hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe; ban hành sổ tay chăm sóc, điều trị cho học sinh bị nhiễm Covid-19...
Bên cạnh dạy học an toàn, chất lượng, đội ngũ giáo viên, các nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Xa hơn, ngành Giáo dục cần tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một phần của chương trình cải cách giáo dục toàn diện, chứ không chỉ trong thời gian dịch bệnh, để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Chung tay đưa trẻ em trở lại trường học an toàn không là trách nhiệm của riêng ai, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.