(HNM) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được các nước sử dụng nhiều, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra đã khiến việc xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam thêm gian nan. Các mặt hàng thường bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp là nhóm sản phẩm kim loại, hóa chất, cao su, dệt may, giấy, đá, nhựa,... Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), sau hơn 10 năm gia nhập WTO (năm 2007), hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã bị 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hơn 130 vụ việc. Trong đó, có 78 vụ việc là điều tra chống bán phá giá, 25 vụ việc tự vệ, 17 vụ việc nghi lẩn tránh thuế và 12 vụ việc chống trợ cấp.
Điển hình là các vụ việc như: Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn...; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam; Ủy ban châu Âu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép nhập khẩu;...
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc chậm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ đối mặt với rào cản thương mại. Đến nay, chỉ có 69 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Canada, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… lại chưa công nhận điều này. Thực tế này đã dẫn đến phương pháp tính biên độ bán phá giá gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra có tình trạng các nước đặt nghi vấn về việc hàng hóa của nước ngoài di chuyển vào Việt Nam để gian lận xuất xứ, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế xuất khẩu. Đơn cử, sản phẩm túi dệt Trung Quốc bị Mỹ áp thuế phòng vệ và để lẩn tránh họ chuyển sang Việt Nam gia công rồi xuất khẩu. Vì vậy, vô hình trung sản phẩm túi dệt Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp nhiều rủi ro khi nước này khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế...
Để hạn chế các vụ kiện này, nhất là các vụ liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, thời gian qua, Bộ đã chủ động thu thập thông tin liên quan và cùng với tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Bộ cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận.
Về phía doanh nghiệp, cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng cường xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, qua đó khẳng định thương hiệu Việt Nam. Cùng với đó phải thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài...
Trong trường hợp nếu bị kiện, doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ nước sở tại, đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu... để bảo vệ hàng hóa của mình. Đồng thời liên kết, phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành và Bộ Công Thương để tìm giải pháp nhằm vượt rào cản, giảm thiệt hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.