Kinh tế

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung:Đẩy mạnh phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước

Lam Giang thực hiện 04/02/2024 - 07:12

Năm 2024, công tác phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ hơn nữa nhằm góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung đã trao đổi với Báo Hànộimới về nội dung này.

pho-cuc-truong-cuc-phong-ve.jpg
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung.

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

- Xin ông có thể cho biết kết quả công tác sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước năm vừa qua?

- Mục đích của việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ đề nghị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất trong nước. Căn cứ các quy định hiện hành và thông tin đề nghị, Cục đã thẩm định, kiến nghị Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra 2 vụ việc và đề nghị ngành sản xuất trong nước cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ 3 vụ việc.

Cùng với việc triển khai điều tra các vụ việc mới, Cục Phòng vệ thương mại đã thực hiện 12 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng để bảo đảm các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện theo quy định. Trong đó, 7 vụ việc đã có kết quả rà soát, 5 vụ việc đang tiếp tục được triển khai.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp các ngành sản xuất trong nước khắc phục được những thiệt hại do những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu gây ra, có được doanh thu và thị phần lớn hơn tại thị trường trong nước, bảo đảm việc làm của hàng chục nghìn lao động… Các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước với số tiền ước trên 1.000 tỷ đồng năm 2023.

- Công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra, áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Với năng lực sản xuất và xuất khẩu ngày càng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt ngày càng nhiều các vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 13 vụ việc điều tra mới, bên cạnh 22 vụ việc đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hằng năm, rà soát cuối kỳ. Dù sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, phạm vi điều tra rộng, quy trình ngày càng khắt khe... nhưng công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài năm 2023 đạt kết quả tích cực. Ví dụ như vụ việc Philippines giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mexico đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng...

Có được kết quả trên là do nỗ lực của các cơ quan nhà nước đã cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, các kịch bản xử lý; phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan trong việc trao đổi với các cơ quan điều tra nước ngoài nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngành xuất khẩu Việt Nam được đối xử công bằng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ rà soát, xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan xây dựng hồ sơ giải trình, lập luận phản biện, vận động để Hoa Kỳ có sự xem xét và kết luận tích cực, phản ánh đúng tình hình thực tế về kinh tế thị trường tại Việt Nam.

- Với công tác cảnh báo sớm, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ năm qua đạt những kết quả thế nào, thưa ông?

- Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của ta đã đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 4 vụ việc. Cục thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, qua đó giúp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý đối với cá biệt một số doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với

18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài; từ đó xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu; xây dựng kế hoạch xử lý.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó

- Ông có thể cho biết những khó khăn của công tác phòng vệ thương mại hiện nay?

- Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tăng lên. Với nguồn lực dành cho công tác phòng vệ thương mại chỉ có thể duy trì ở một mức độ nhất định, áp lực để có thể xử lý một cách hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ ngày càng lớn hơn.

Để xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, doanh nghiệp là người giữ vai trò quan trọng nhất vì là đối tượng bị điều tra, trực tiếp phải cung cấp thông tin liên quan. Trong khi đó, còn nhiều doanh nghiệp không chú ý đến vấn đề này hoặc chỉ nắm được những nguyên tắc cơ bản nhất. Vì vậy, khi đối mặt với các vụ việc, doanh nghiệp thường lúng túng và gặp khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý, thậm chí xuất hiện tâm lý né tránh. Điều này sẽ dẫn đến kết quả không tốt đối với doanh nghiệp cũng như có thể ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất liên quan.

- Theo ông, doanh nghiệp nên làm gì để hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại?

- Các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại đồng thời cân nhắc việc chủ động tham gia, chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

day-chuyen-san-xuat-thep-xu.jpg
Dây chuyền sản xuất thép xuất khẩu tại Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Thanh Hương

Khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra lại hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ… bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh. Bên cạnh đó, thông qua đánh giá nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, đồng thời phối hợp, chia sẻ thông tin để cùng ứng phó...

- Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để đẩy mạnh bảo vệ sản xuất trong nước cũng như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?

- Trong năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại trên cơ sở phù hợp với thực tiễn và các cam kết quốc tế. Tập trung triển khai Đề án 1335 “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”, góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chúng tôi cũng hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp; hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung: Đẩy mạnh phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.