(HNMO) - Số vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ chiếm gần ¼ tổng số vụ, cho thấy quốc gia này rất quyết liệt trong việc sử dụng công cụ thương mại trên để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chia sẻ tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp, chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22-12.
Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 101,2 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu, xu hướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng.
Theo thống kê, Hoa Kỳ là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với tổng cộng 51 vụ, tính đến tháng 11-2022, chiếm gần ¼ tổng số vụ. Trong đó, Hoa Kỳ gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (chiếm 22 vụ), cho thấy xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi và quyết liệt hơn so với trước. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, như: Gỗ, cá tra - basa, tôm, mật ong, thép, máy cắt cỏ....
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để kiểm soát tình hình lạm phát, một trong những giải pháp Hoa Kỳ áp dụng thời gian gần đây là hạn chế và ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường nước này thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng thay đổi quy định về những sản phẩm bị đánh thuế lẩn tránh thuế chống bán phá giá theo hướng chặt chẽ hơn, khiến phạm vi những sản phẩm có nguy cơ bị áp mức thuế hoặc điều tra lẩn tránh mở rộng hơn trước khá nhiều.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng, do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Vì vậy, ông Hưng khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại đồng thời gia tăng giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương nêu quan điểm, các doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực và khắc phục tâm lý e ngại khi vướng phải các vụ việc điều tra.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn. Và việc quan trọng là doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp góp phần hạn chế những rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các thông cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.