Kinh tế

Giảm rủi ro từ cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

Lam Giang thực hiện 14/11/2023 07:33

Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong việc điều tra phòng vệ thương mại đang ngày càng phổ biến, Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần sẵn sàng các phương án ứng phó để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

san-xuat-do-go.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: TTXVN

- Xin ông cho biết thực tế hoạt động phòng vệ thương mại của thị trường thế giới với hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay?

- Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm. Năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2022 đã lên tới 730 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD lên 371 tỷ USD. Điều này đã tạo áp lực cạnh tranh và các nước nhập khẩu đã đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất của mình. Đây là biện pháp rất phổ biến được các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng trong trao đổi thương mại.

Tính đến hết tháng 8-2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó có 129 vụ điều tra chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 34 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 24 vụ chống trợ cấp. Các mặt hàng bị điều tra gồm có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa…, đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, mật ong...

- Để ứng phó với xu hướng phòng vệ thương mại ngày càng phức tạp, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động cảnh báo sớm gì, thưa ông?

- Sau khi có Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”, Bộ Công Thương đã nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Hệ thống này hiện theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó gắn với nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm, thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Canada, Australia, Ấn Độ...

Quá trình này, chúng tôi định kỳ lọc ra những mặt hàng đối mặt nguy cơ cao, có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên, trong đó có những mặt hàng sau khi được cảnh báo không lâu thì nước nhập khẩu đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Ví dụ như ngành thép có sản phẩm ống thép, thép chống ăn mòn, thép chống gỉ; ngành gỗ là mặt hàng gỗ dán, tủ gỗ... Một số ngành khác cũng có những sản phẩm được đánh giá và xác định nguy cơ trước khi vụ việc xảy ra.

Chúng tôi đã sớm tiếp cận các doanh nghiệp, hiệp hội để cung cấp thông tin, trao đổi về khả năng, nguy cơ xảy ra điều tra phòng vệ thương mại và những việc cần chuẩn bị trước. Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp tích cực, chủ động khi phải tham gia các vụ việc này. Bởi khi nước nhập khẩu điều tra thì sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta, nhưng mức độ tác động sẽ giảm thiểu nhiều.

- Theo ông, doanh nghiệp nên làm gì để hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại?

- Các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Cùng với đó, cần cân nhắc việc chủ động tham gia, chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra lại hệ thống kế toán, sổ sách chứng từ… bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh.

Bên cạnh đó, thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, đồng thời phối hợp, chia sẻ thông tin để cùng ứng phó.

- Bộ Công Thương tiếp tục triển khai những giải pháp nào trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, thưa ông?

- Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, tập trung vào những ngành hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin thêm nhiều thị trường có thể xuất hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời tư vấn kỹ hơn về việc đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ theo dõi sát quy trình, hoạt động điều tra của thị trường nước ngoài trong việc tuân thủ đúng quy định pháp luật của họ và các nguyên tắc, quy định của WTO nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm rủi ro từ cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.