Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập

Đào Bạch Kim| 06/08/2018 06:54

(HNM) - Những ngày qua, mưa kéo dài khiến nhiều địa phương bị ngập úng nghiêm trọng. Nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, việc xây dựng và triển khai các phương án xử lý đang được các địa phương tập trung cao độ.

Người dân xã Nam Phương Tiến thu dọn rác, vệ sinh môi trường sau khi nước rút bớt.


Xây dựng phương án phù hợp thực tế

Do ảnh hưởng mưa lũ, thời gian qua, toàn thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) bị nước lũ cô lập. Ông Nguyễn Hữu Thức (thôn Thông Đạt) cho biết, hơn chục ngày nước tràn vào nhà đã kéo theo nhiều loại rác, xác gia súc, gia cầm. Còn tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) - địa phương bị ngập nặng, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng, ngoài những khó khăn về sinh hoạt thì vấn đề đáng ngại trong những ngày qua là rác thải, ô nhiễm...

Để xử lý kịp thời rác thải phát sinh cũng như phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, từ sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cùng người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt đã tích cực phát huy phương châm "4 tại chỗ". Ông Nguyễn Tiến Thiệp, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, kể: “Khi mưa lớn bắt đầu, các hộ trong thôn đã bảo nhau xử lý rác thải, vệ sinh chuồng trại nhằm tránh rác theo nguồn nước tràn vào nhà ”.

Thực tế, vấn đề xử lý môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm trong mùa mưa bão luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao. Các sở, ngành chức năng cũng chủ động hướng dẫn các địa phương về công tác này: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Công văn số 4976/STNMT-CCBVMT về triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường; Chi cục Thú y Hà Nội ban hành Công văn 583/TY-YT về triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sau mùa mưa bão năm 2018...

Trên cơ sở những chỉ đạo và hướng dẫn này, các địa phương, sở, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương án phù hợp. Nhiều phương án vệ sinh môi trường đã được các địa phương tích cực thực hiện, tập trung vào các khu vực và công việc trọng điểm: Khử trùng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy xác động vật; khu thu gom rác thải, chất thải; các nơi nguy cơ liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm…

Nước rút tới đâu, vệ sinh tới đó


Tại Chương Mỹ, Quốc Oai và các huyện bị ngập úng, những ngày qua cùng với mực nước lũ rút dần, chính quyền và nhân dân khẩn trương phục hồi sản xuất, kết hợp với tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư, trường học, trạm y tế... Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với công ty môi trường thu gom, vận chuyển rác thải kịp thời. Trung tâm y tế các huyện đã bám sát địa bàn, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh, đồng thời cấp phát phèn chua để lọc nước và nhiều loại thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ghi nhận trong ngày 5-8 của phóng viên Báo Hànộimới, ngay sau khi nước lũ rút, huyện Chương Mỹ đã huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, đội cơ động, xung kích... phối hợp với nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường các điểm ngập úng, ổn định cuộc sống; đồng thời tập trung vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung… Huyện Quốc Oai huy động 775 quân nhân và 4.845 người tập trung vệ sinh môi trường, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng; dọn dẹp trường lớp bị ngập nước để chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới.

Tương tự, tại Mỹ Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Hải Hồng cho biết, một số hộ dân ở vùng trũng Hương Sơn, An Phú bị ngập. Nước rút, UBND huyện và cán bộ thú y, y tế tại xã hướng dẫn người dân thu gom, xử lý, chôn xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo tại các vùng có nguy cơ để tránh dịch bệnh.

Tích cực phối hợp với các địa phương, theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, từ khi các huyện xảy ra úng ngập, đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện đi vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung. Cụ thể, đơn vị đã bố trí 39 công nhân, phối hợp với người dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) vớt, thu gom, vận chuyển hơn 40 tấn rác.

Tại huyện Quốc Oai, đơn vị đã bố trí 42 người phối hợp với người dân thực hiện vớt, thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung hơn 50 tấn rác. Hiện nay, Công ty yêu cầu toàn bộ công nhân túc trực tại địa phương để khi nước rút tới đâu thì vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác tới đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.