Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn hướng lập nghiệp: Những tín hiệu tích cực

Thống Nhất| 10/03/2016 07:43

(HNM) - Kết quả khảo sát nguyện vọng đăng ký dự thi (ĐKDT) các môn thi THPT quốc gia năm 2016, do Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố, cho thấy gần 23% số thí sinh (TS) chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT; tỷ lệ TS ĐKDT ở các môn có sự chênh lệch đáng kể... Điều đó cho thấy đã có một số tín hiệu tích cực ban đầu trong việc chọn hướng lập nghiệp.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.Ảnh: Thái Hiền


Đại học không phải con đường duy nhất

Số liệu do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố vào ngày 7-3 cho thấy, trong tổng số 66.066 TS đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có gần 15 nghìn TS ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH hoặc CĐ - chiếm gần 23% tổng số TS ĐKDT. Năm ngoái, tỷ lệ TS thuộc diện này chỉ chiếm 14% tổng số TS ĐKDT.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) nhận định: Sẽ phải xét thêm một vài khía cạnh khác song con số khoảng 1/5 tổng số TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc lựa chọn ngành nghề tương lai. Có thể thấy, nhiều TS nhận thức rằng học ĐH chưa phải con đường duy nhất để lập nghiệp. Các em có thể đang có những lựa chọn khác, trong đó có việc học nghề...

Sự chênh lệch về số lượng TS ĐKDT giữa các môn cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong nhóm môn dự thi của TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT, ngoài hai môn bắt buộc là ngữ văn và toán, môn địa lý được nhiều TS chọn ĐKDT (12.257 TS). Môn ngoại ngữ có số lượng TS ĐKDT xếp sau môn địa lý với gần 10 nghìn em đăng ký thi. Điều này cho thấy sự quan tâm nhất định của học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố đối với môn học này.

Điểm đáng quan tâm nữa là qua số liệu khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội, môn lịch sử không nằm ở vị trí cuối cùng như phỏng đoán của nhiều người, mà là môn sinh học - có 1.550 TS ĐKDT, ít hơn 1.000 TS so với môn lịch sử. Còn ở nhóm các môn dự thi của TS có hai mục đích là vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ, địa lý cũng là môn nhận được sự lựa chọn cao, với gần 16 nghìn TS đăng ký. Ông Hoàng Châu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) cho rằng, một trong những lý do cơ bản dẫn đến việc có nhiều TS chọn địa lý là vì với môn thi này TS được mang Át lát vào phòng thi, có nhiều cơ hội đạt điểm cao.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất

Căn cứ vào kết quả khảo sát nguyện vọng của TS đang theo học tại tất cả các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức có văn bản trình UBND thành phố, đề xuất phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, Hà Nội dự kiến tổ chức hai loại cụm thi: Cụm thi dành cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do Sở GD-ĐT chủ trì; cụm thi còn lại dành cho TS dự thi với hai mục đích là vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì.

Có ý kiến băn khoăn, cho rằng việc tổ chức hai loại cụm thi là không cần thiết, thậm chí là không nên bởi dễ làm nảy sinh tâm lý phân biệt giữa hai đối tượng TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT và TS có nguyện vọng vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc tổ chức hai loại cụm thi cũng khiến nhiều người lo ngại về sự công bằng trong việc bảo đảm tính nghiêm túc, giữ gìn kỷ luật phòng thi. Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Hà Nội vẫn kiên trì chủ trương như năm trước là tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho TS, mong muốn không để một TS nào phải nghỉ trọ khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Nếu TS chỉ tập trung thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì thì những TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ vất vả hơn, trong đó, riêng việc phải di chuyển xa cũng đã là một khó khăn không nhỏ.

Qua tìm hiểu ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Hà Nội có 8 cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Việc lựa chọn, tổ chức các địa điểm thi ở đâu là do các trường quyết định và thực tế là các trường đều có nguyện vọng tìm đặt các địa điểm thi tại khu vực gần và thuận tiện nhất với đơn vị mình. Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH đều tập trung ở khu vực thành thị.

Nhằm giúp các TS không phải đi lại quá xa, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Hà Nội đã tổ chức 27 cụm thi địa phương dành cho những TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Với cách thức này, gần như tại mỗi quận, huyện đều có một cụm thi, TS có thể dự thi ngay tại địa bàn mình theo học. Một số nơi có ít TS thuộc diện này thì sẽ tổ chức thi theo cụm, ví dụ như địa điểm thi đặt tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Thanh Oai) là nơi thi chung của TS hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa. Ngược lại, với những nơi có đông TS dự thi, như huyện Gia Lâm, thì sẽ có hai cụm thi.

Với tinh thần quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng, tiết kiệm trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, năm nay, Hà Nội dự kiến giữ nguyên cách tổ chức cụm thi như trước nhưng việc bố trí, sắp xếp các cụm thi cụ thể sẽ dựa trên số lượng TS ĐKDT chính thức ở từng nguyện vọng - được xác định vào cuối tháng 4 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chọn hướng lập nghiệp: Những tín hiệu tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.