Không chỉ cung cấp hơn 2.277 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh đa ngành nghề của 32 đơn vị, doanh nghiệp, một điểm nhấn đặc biệt trong Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây năm 2024 (tổ chức ngày 30-3 tại số 1 phố Phan Chu Trinh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), chính là sự vào cuộc tích cực của các trường dạy nghề, với nhiều hoạt động hướng nghiệp đặc sắc và hấp dẫn.
Chủ động giới thiệu nghề bằng "tai nghe, mắt thấy, tay thao tác, miệng nếm thử"!
Theo lịch hoạt động, vào 8h30 sáng 30-3, Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây năm 2024 mới chính thức khai mạc. Nhưng ngay từ 7h sáng, hàng nghìn học sinh, sinh viên, người lao động đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã - nơi tổ chức các hoạt động của phiên. Trong một không gian rộng lớn, các khu vực tuyển dụng, tuyển sinh, sân khấu tổ chức các hoạt động… đều được bố trí rất khoa học và ấn tượng. Đặc biệt, tại khu vực tư vấn hướng nghiệp có sự tham gia của rất nhiều trường dạy nghề với các gian hàng giới thiệu, trưng bày, thực hành các sản phẩm mang đậm kỹ năng nghề nghiệp đỉnh cao.
Đơn cử, ngay cạnh gian hàng của Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 1 (Bộ Giao thông Vận tải), một chiếc máy xúc hiện đại được nhà trường bố trí sẵn sàng, với lực lượng chuyên gia ứng trực tại chỗ để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên thử nghiệm vận hành, xem trình diễn kỹ năng.
Trực tiếp tham gia vận hành thử nghiệm dưới sự hướng dẫn của các thầy, học sinh Giang Huyền Trang (lớp 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây) không giấu nổi sự phấn khích. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giang Huyền Trang bày tỏ: “Thực sự là cực kỳ thú vị khi em được trải nghiệm vận hành máy xúc. Trước khi thử sức việc này, em cũng được trải nghiệm một số nghề khác nữa. Em thấy các hoạt động tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây mang lại vô vàn lợi ích, giúp học sinh chúng em hiểu hơn về các nghề, được thử sức để dễ hình dung và có lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân”.
Còn tại gian hàng của Trường Trung cấp nghề nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội, cả cô và trò đều luôn tay luôn chân, tất bật trình diễn kỹ năng làm bánh, nấu ăn, đáp ứng nhu cầu được nếm thử của đông đảo giới trẻ. Hai bạn trẻ Dương Hương Ly và Phan Thị Bích Hiền háo hức cùng nhóm bạn đồng hành sắp đặt, trình diễn, giới thiệu sản phẩm.
Hương Ly chia sẻ: “Em đã trải qua 2 năm học nghề nấu ăn, từng được trải nghiệm làm phụ bếp tại một nhà hàng ở Long Biên với mức thu nhập 300.000 đồng/ngày ngay trong thời gian học. Từ ngày 31-5 đến 31-8, em sẽ được trải nghiệm thực tế nghề tại FLC Thanh Hóa. Tham gia Phiên giao dịch và tư vấn việc làm Sơn Tây, em có thêm cơ hội để thực hành, vững vàng và tự tin làm nghề sau khi tốt nghiệp”.
Dạo một vòng tại sự kiện, có thể thấy có rất nhiều gian hàng tràn đầy hứng khởi với trải nghiệm “tai nghe, mắt thấy, tay thao tác, miệng nếm thử” như vậy.
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên, người lao động
Để tạo được hiệu ứng tích cực như vậy đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ của thầy trò các trường giáo dục nghề nghiệp. Với Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương 1, cả thầy Dương Thế Anh - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng và thầy Phạm Đức Toàn, Phó Hiệu trưởng, đều sát cánh cùng đội ngũ từ đầu đến cuối sự kiện, mang đến những màn trình diễn kỹ năng vận hành máy xúc tinh xảo với độ chính xác cao, đơn cử như điều khiển máy xúc để… bật nắp chai, rót nước vào cốc, vừa mang ý nghĩa tôn vinh kỹ năng nghề, vừa tạo sự hấp dẫn giới trẻ học nghề.
Phó Hiệu trưởng Phạm Đức Toàn chia sẻ: “Đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, làm chủ khoa học công nghệ là yêu cầu quan trọng để tạo nên nền kinh tế mạnh. Chúng tôi mang máy xúc đến trình diễn ngay tại phiên để học sinh, sinh viên cảm nhận rõ hơn về nghề vận hành máy thi công công trình xây dựng cầu đường - vốn nhu cầu nhân lực đang rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước”.
Chung quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng nhấn mạnh: “Trường chúng tôi mang đến phiên phần giới thiệu các nghề thế mạnh như: Công nghệ ô tô, Sơn ô tô, Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ thông tin…, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách đào tạo nghề để bất cứ ai có nhu cầu có thể tiếp cận dễ dàng nhất. Tất cả nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên, người lao động.
Cùng với các hoạt động hướng nghiệp đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây cũng mang đến 2.277 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh của 32 đơn vị, doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực.
Đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp lan tỏa thương hiệu, kết nối cung - cầu thị trường lao động, chị Trần Thị Ngọc Minh (Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam, chi nhánh ở 106 Chùa Láng, Hà Nội) chia sẻ: “Thông qua sự kiện này, Công ty chúng tôi mong muốn tạo thêm việc làm cho các bạn trẻ từ 18 đến 40 tuổi, mở rộng hoạt động tại khu vực Sơn Tây và Ba Vì, thu hút thêm khách hàng tiềm năng”.
Còn chị Phùng Thị Thực (Trung Hưng, Sơn Tây) cho biết, đã tiếp xúc rất nhiều đơn vị, bởi “những sự kiện này thực sự có ý nghĩa thiết thực, cho cả người muốn đi làm và người muốn học nghề. Con trai tôi sắp tốt nghiệp đại học nhưng hôm nay bận không đến được, nên tôi muốn mang về thật nhiều dữ liệu thông tin về nhà tuyển dụng để con có thể chủ động liên lạc, tìm kiếm cơ hội phỏng vấn, sớm có việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sơn Tây, lãnh đạo các phòng, ngành của thị xã trong việc phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch và tư vấn việc làm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, nhấn mạnh: Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trực thuộc Sở, hằng ngày đều có các phiên giao dịch việc làm. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 250 đến 260 phiên, trong đó, các phiên đều phỏng vấn online tới 14 địa điểm trên địa bàn thành phố, một số phiên còn kết nối, phỏng vấn online đến một số tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, năm 2024, toàn thành phố có 19 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã, sẽ mang đến rất nhiều cơ hội học nghề và việc làm dành cho học sinh, sinh viên, người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.