(HNM) - Sống ở Hà Nội, chắc rằng nhiều người đã nghe câu “Hà Nội không vội được đâu”. Một câu nói vui, nhưng lại phảng phất ý tứ không vui khi gắn với một số lĩnh vực, công việc, có ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và tác động đến đời sống của người dân.
Ngẫm từ câu nói vui ấy, cũng nhận thấy một thực tế đòi hỏi có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm việc của bộ máy chính quyền. Tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hồi tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: “Phải khắc phục bằng được định kiến lâu nay “Hà Nội không vội được đâu”; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất”. Với tinh thần đó, thành phố xác định, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ sống còn; cả bộ máy hành chính sẽ tập trung theo một mục tiêu: “xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.
Với mục tiêu ấy, Hà Nội đang tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt; đã xây dựng, ban hành và bước đầu triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 với phương châm hành động, lộ trình cụ thể và xác định rõ những việc, những khâu đột phá. Có thể nhận thấy, những động thái của Hà Nội rất tích cực, đẩy mạnh cải cách thủ tục, góp phần làm lành mạnh hóa nền hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức và chất lượng thực thi công việc để phục vụ nhân dân. Nổi bật trong số đó là những đổi mới trong việc cấp giấy phép đầu tư; cải cách thủ tục trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gần đây nhất là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường tại 168 phường thuộc 12 quận. Thành phố xác định lấy công nghệ thông tin làm trọng tâm để phát triển, tạo sự thuận tiện cho người dân có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi và chỉ cần đến cơ quan hành chính duy nhất một lần để lấy kết quả.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt của thành phố là quyết liệt chấn chỉnh tác phong, trách nhiệm làm việc của công chức, viên chức và rà soát các thủ tục hành chính để giải quyết quy trình thuận tiện, tập trung xử lý được những vấn đề dân sinh bức xúc nhất. Trước đây, chỗ này chỗ kia người dân còn kêu ca, phàn nàn về nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn, cán bộ sách nhiễu, lợi dụng trục lợi. Câu chuyện “hành là chính” có lúc đã trở thành bức xúc, thì giờ đây đang có những bước chuyển đáng kể. Hiện nay, 98% thủ tục ở Hà Nội được thực hiện qua một cửa liên thông, giảm đến 30 ngày giải quyết các thủ tục, khuyến khích đăng ký kinh doanh qua mạng…
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao; tăng cường ứng dụng công nghệ phục vụ tốt nhất cho người dân. Thành phố đang chuyển hướng sang chính quyền phục vụ, hướng mạnh về cơ sở, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính.
Tất nhiên, để các chủ trương cải cách hành chính đạt hiệu quả cao nhất, rất cần có sự chung tay của chính người dân, doanh nghiệp. Người dân cũng cần chủ động tham gia, cập nhật kỹ năng sử dụng các tiện ích, dịch vụ do chính quyền cung cấp, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức... Có sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp thì công cuộc cải cách sẽ thêm hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền được nâng lên. Chính quyền phục vụ, người dân tích cực, khi đó, quyền và lợi ích của chính người dân, doanh nghiệp sẽ được bảo đảm ở mức cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.