Chỉ 20% bệnh nhân đột quỵ não đến bệnh viện trong khoảng thời gian vàng của bệnh lý (dưới 4,5 giờ sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên), do đó tình trạng tử vong của căn bệnh này vẫn còn cao.
Thông tin trên được tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo “Hướng đến chăm sóc tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ”, tổ chức ngày 21-4, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh cứu sống khách du lịch nước ngoài bị đột quỵ. (Ảnh: TTXVN) |
Theo bác sỹ Thắng, đột quỵ não là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao và gây hậu quả nặng nề như bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê... Đây là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp, nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong vòng 4,5-6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề.
Tuy nhiên, thực tế, trong những năm qua, bệnh nhân đột quỵ não đến bệnh viện để cấp cứu trong thời gian vàng (dưới 4,5 giờ) chỉ đạt 19,4% và chỉ 5,3% bệnh nhân đến trong vòng 6 giờ đầu tiên. Trong khi đó, có đến 75,3% bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu sau 6 giờ.
Như vậy, chỉ khoảng 25% tổng số bệnh nhân được điều trị kịp thời và đạt được kết quả khả quan. Do đó, tỷ lệ tử vong do đột quỵ não tại Việt Nam vẫn còn cao, 18% đối với nam và 23% đối với nữ.
Điểm đặc biệt, sau khi điều trị, mới chỉ có 5% bệnh nhân tại Việt Nam được chuyển đến các trung tâm vật lý trị liệu, trong khi ở các nước phát triển 100% sau đột quỵ đều được chuyển gửi đến các trung tâm vật lý trị liệu.
Cũng trong ngày 21-4, Khoa Can thiệp mạch máu não của Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự nhận “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu”. Đây là đơn vị đầu tiên tại châu Á đạt chứng nhận này.
Trong năm 2018, Khoa Can thiệp mạch máu não đã điều trị cho gần 12.000 người bệnh bị đột quỵ não, với tỷ lệ cứu sống gần 90%. Điều đáng ghi nhận là Bệnh viện đã rút ngắn thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân bị đột quỵ não từ 5,88 ngày vào năm 2016 xuống còn 4,54 ngày trong năm 2018.
Việc rút ngắn thời gian nằm viện đối với bệnh nhân bị đột quỵ não của Bệnh viện Nhân dân 115 là một minh chứng thuyết phục về tính hiệu quả của quy trình can thiệp điều trị, tương đương các nước có hệ thống y tế phát triển.
Đặc biệt, Bệnh viện đã triển khai thành công cả 2 kỹ thuật điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và đặt catheter (ống thông) tĩnh mạch lấy huyết khối.
Hiện nay, Bệnh viện đang chuẩn bị nguồn lực để triển khai kỹ thuật khoan sọ não lấy máu tụ trong trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng xuất huyết não thay vì mở hộp sọ như trước đây với kỳ vọng sẽ làm giảm thấp hơn nữa tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ não.
Giáo sư-tiến sỹ Carlos Molina, Đại học Barcelona và là Trưởng Đơn vị Đột quỵ tại Bệnh viện Vall d’Hebron ở Barcelona, Tây Ban Nha cho biết, để đạt được Chứng nhận này các đơn vị đột quỵ phải đạt nhiều tiêu chí khắt khe như chuẩn hóa quy trình điều trị đột quỵ, chất lượng và sự an toàn cho bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông trong vòng 60 phút kể từ khi nhập viện, tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI…
Từ năm 2017 đến nay, Tổ chức đột quỵ châu Âu và Tổ chức đột quỵ Thế giới thông qua Chương trình Angels đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ bằng cách hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước thành lập các đơn vị đột quỵ và tối ưu hóa chất lượng điều trị đột quỵ.
Với sự trợ giúp này, từ chỉ 14 đơn vị điều trị đột quỵ năm 2017, đến nay Việt Nam đã có 73 đơn vị điều trị đột quỵ và trong tương lai phấn đấu tất cả các bệnh viện tại Việt Nam sẽ có đơn vị điều trị đột quỵ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.