(HNM) - Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp, như: Các yếu tố tâm lý xã hội; chế độ ăn (ăn mặn, uống rượu, bia hay dùng các chất kích thích như nước chè, cà phê, thuốc lá...). Bởi vậy, một chế độ ăn hợp lý, khoa học là nhân tố quan trọng để phòng, chống tăng huyết áp hiệu quả, đồng thời giảm tối đa nguy cơ biến chứng, như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận…
Những người bị tăng huyết áp kèm theo béo phì hoặc rối loạn dung nạp đường (tiền đái tháo đường) cần phải giảm lượng calo nạp vào cơ thể bằng cách không nên ăn các loại thực phẩm quá nhiều năng lượng, hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol và axít béo no. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối, như: Mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán, khoai tây chiên… Mặt khác, người bệnh cũng nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như: Thịt muối, cá muối, giò, chả, pa tê, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật...
Thay vào đó, người tăng huyết áp nên ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ, quả chín dạng miếng, múi và không ép, xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ. Ngoài ra, nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3, như: Cá hồi, cá thu… Đặc biệt, người tăng huyết áp không nên uống các loại đồ uống có cồn, nước ngọt có gas…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.