(HNM) - Vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8, khi thời tiết oi bức, các bệnh ngoài da thường bùng phát, trong đó phổ biến là nổi mề đay.
Thực phẩm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều trị và diễn biến bệnh dị ứng nổi mề đay. |
Đặc biệt, sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm cay nóng, thực phẩm nhiều chất béo, đạm, các thực phẩm quá ngọt khiến cơ thể sinh nhiệt, dư thừa chất. Gan hoặc thận hoạt động quá tải, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa các chất; gây nóng trong người, kéo theo các bệnh ngoài da như mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay.
Do vậy, một chế độ dinh dưỡng phù hợp với thời tiết sẽ giúp tình trạng mề đay không tiến triển nặng hơn, giảm thiểu nguy cơ bùng phát mề đay do dị ứng thực phẩm. Trong đó, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mát, tốt nhất là ăn đồ luộc, ít dầu mỡ và thực phẩm nướng, giảm các loại gia vị cay, nóng... Cần ăn ít đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Với trẻ em, cần ăn giảm đường, sữa bò đặc, lòng trắng trứng...
Bệnh mề đay, đặc biệt là mề đay mạn tính ở mỗi trường hợp lại có sự mẫn cảm với các loại thực phẩm khác nhau. Để biết chính xác mình mẫn cảm với thực phẩm nào cần phải lưu ý tiền sử dị ứng, và cách tốt nhất là đến bệnh viện làm xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng.
Ngoài ra cần thường xuyên tập thể dục, cân bằng chế độ dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi một cách khoa học để hệ miễn dịch được cải thiện tốt hơn. Nói không với thuốc lá và các chất kích thích để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ miễn dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.